Thời gian gần đây, nhiều người truyền tai nhau về công dụng thần thánh của trà hoa đậu biếc, từ trị mất ngủ đến phòng chống ung thư, tim mạch vì thế dù loại hoa này có giá cao ngất ngưởng (400 nghìn -1 triệu đồng/kg), nhiều người vẫn sẵn sàng để đầu tư.
Dùng trà hoa đậu biếc đã lâu nhưng có lẽ không phải ai cũng thực sự hiểu về nguồn gốc loại hoa này. Đậu biếc còn được gọi là đậu hoa tím, bông biếc, là một loài cây leo, thân thảo, sống nhiều năm, có màu xanh tím, xanh lam đậm...
Trà hoa đậu biếc có nguồn gốc từ Thái Lan. Không hề chứa caffeine. Nghiên cứu khoa học cho thấy trà hoa đậu biếc chứa chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương tế bào. Chúng cũng chứa hợp chất anthocyanin quý giá, đem lại nhiều lợi ích cho làn da, mái tóc. Ngoài ra, nghiên cứu khoa học cũng cho thấy trong hoa đậu biếc có chứa chất proanthocyanidin - một chất có tác dụng cải thiện hệ thần kinh trung ương, cải thiện lưu thông máu và tăng cường trí nhớ.
Dù trà hoa đậu biếc thực sự đem lại nhiều tác dụng cho sức khỏe nhưng theo nhiều chuyên gia Đông y, lợi ích của chúng đang bị thổi phồng khiến nhiều người không chú ý đến liều lượng dùng cùng phương pháp dùng đúng, từ đó tiềm ẩn một số tác dụng phụ không mong muốn.
3 lưu ý cần tránh khi dùng trà hoa đậu biếc
1. Không dùng quá nhiều hoa đậu biếc trong một lúc
Theo lương y Hồng Thuý Hằng (Hội Đông y Cà Mau): Trong Y học cổ truyền, hoa đậu biếc có tác dụng làm giảm trị bệnh âu lo, chống trầm cảm, an thần, lợi tiểu, giải nhiệt, làm dịu và săn da… Tuy nhiên, việc dùng nhiều lượng hoa đậu biếc cùng lúc không tốt cho cơ thể vì đậu biếc vốn có tính hàn, có thể gây lạnh bụng, đồng thời không phù hợp cho người bị huyết áp thấp. Ngoài ra, những người bị máu khó đông tuyệt đối không nên dùng kẻo gây ra tác dụng phụ.
Lương y Hằng cho biết, người bình thường trung bình mỗi ngày chỉ nên sử dụng khoảng 15 bông trở lại.
2. Tin tưởng mù quáng vào trà đậu biếc mà bỏ qua những phương pháp điều trị bệnh
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết: "Nghiên cứu khoa học đã chứng minh rất nhiều tác dụng của hoa đậu biếc đối với bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường... nhưng không phải vì vậy mà chúng ta thổi phồng lợi ích của chúng và tin tưởng mù quáng mà không điều trị theo chẩn đoán của bác sĩ".
Giới chuyên gia Đông y nhấn mạnh chỉ nên xem trà hoa đậu biếc như một thức uống hỗ trợ cải thiện sức khỏe chứ không nên coi là thuốc, có tác dụng chữa bệnh. Không nên vì chủ quan, lạm dụng hoa đậu biếc mà để bệnh tình thêm nặng đến mức không thể cứu chữa.
3. Những đối tượng cần cẩn trọng khi dùng hoa đậu biếc
Phụ nữ hành kinh và người chuẩn bị làm phẫu thuật hoặc dùng thuốc chống đông máu cần phải hạn chế dùng hoa đậu biếc bởi chất anthocyanin trong chúng có khả năng ngưng kết tiểu cầu, chậm đông máu. Ngoài ra, người có tiền sử huyết áp thấp và đường huyết thấp cũng không nên dùng nhiều vì hoa đậu biếc có các thành phần làm hạ huyết áp và giảm đường huyết, gây nên tình trạng choáng và chóng mặt, buồn nôn.
Bà bầu được khuyến cáo tốt nhất không nên dùng hoa đậu biếc do hiện nay chưa có nghiên cứu y khoa rõ ràng về lợi ích hay hậu quả của loại trà này dành cho bà bầu. Ngoài ra, cơ thể của trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh vẫn còn non yếu, chưa hoàn thiện nên không phù hợp để sử dụng loại trà hoa này khi có lẫn hạt.
Người đang sử dụng thuốc cũng cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Theo Tiểu Vy (Pháp Luật & Bạn Đọc)