Đến 14h chiều ngày 30/9, Hệ thống Quan trắc không khí AirVisual quốc tế vẫn ghi nhận Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 177 cùng cảnh báo có hại cho sức khỏe, khuyến nghị đeo mặt nạ khi ra đường.
Trước đó vào 6h30 phút sáng, thành phố này thậm chí còn vượt lên tới ngưỡng tím với chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 272.
Còn tại khu vực phía Nam, TP.HCM có chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 116, xếp hạng 19 thế giới và ở mức báo động cam - không tốt cho những người nhạy cảm có nguy cơ bị kích ứng và các vấn đề hô hấp.
Đáng chú ý, tình trạng ô nhiễm không khí mức cao ở hai thành phố lớn của Việt Nam đã được các hệ thống quan trắc của thế giới cảnh báo trong nhiều ngày qua. Nhất là sau thời điểm vụ cháy rừng lớn ở Indonesia diễn ra (18/9) và có nhiều luồng thông tin cho rằng chất ô nhiễm bị gió thổi sang phía Nam Việt Nam.
Điều này làm người dân sống gần khu vực này cảm thấy hoang mang, lo lắng.
Bác sĩ Quách Minh Phong, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, Trưởng đơn vị Hô hấp, Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) cho biết, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 65-70 bệnh nhân liên quan đến các vấn đề hô hấp. Trong đó, điều trị nội trú là 25-30 trường hợp/ngày.
Theo bác sĩ Phong, vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam nói chung và TP.HCM, Hà Nội nói riêng đã có từ lâu.
Hội thảo ô nhiễm không khí mối đe dọa sức khỏe cộng đồng năm 2017 công bố lượng bụi mịn PM 2.5 trung bình mỗi năm ở TP.HCM là 28.2µg/m3, cao gấp 3 lần ngưỡng trung bình toàn cầu.
Trong khi đó ở Hà Nội lượng bụi mịn lên đến 50.5 µg/m3, chỉ xếp sau 2 thành phố lớn của Ấn Độ và Trung Quốc.
Bụi mịn (nhỏ hơn sợi tóc người 30-40 lần) được thải ra từ nguồn tự nhiên hoặc từ các chất ô nhiễm như quá trình đốt các nhà máy nhiệt điện, khói và mồ hóng từ cháy rừng và đốt chất thải hoặc phát thải từ các phương tiện và động cơ đốt trong.
Bụi mịn có thể gây những ảnh hưởng ngắn hạn như kích ứng mắt, họng và mũi; nhịp tim không bình thường; hen suyễn; ho, đau ngực, đau họng, khó thở.
Về tác động lâu dài, bụi mịn gây các bệnh về hô hấp, viêm phế quản, hen, tràn khí và tổn thương màng phổi, thậm chí gây đau tim, đột quỵ và ung thư.
Bác sĩ Phong cho biết xét ở góc độ y tế, ô nhiễm không khí tỉ lệ thuận với bệnh ung thư phổi. Hạt bụi mịn có kích thước 10 micromet chiếm tỉ lệ từ 10 µg/m3 trong không khí sẽ làm tăng tỉ lệ ung thư lên 22%.
Tỉ lệ gây ung thư sẽ tăng lên 33% nếu hạt bụi có kích thước 2.5 micromet.
"Trong hạt bụi có nhiều chất như sunfat, nitrat, amoniac... khi tiến vào trong cơ thể có thể làm tổn thương mạch máu, tổn thương các tế bào thần kinh, đường dẫn khí gây nhiều bệnh ở đường hô hấp.
Với phụ nữ mang thai khi hít phải bụi mịn có thể gây suy hô hấp, suy dinh dưỡng bào thai, tác động vào yếu tố di truyền gây đột biến gen..." - bác sĩ Phong phân tích.
Do đó để bảo vệ sức khỏe khỏi bụi mịn, bác sĩ hướng dẫn cách phổ biến và dễ áp dụng nhất là luôn đeo khẩu trang chuyên dụng có khả năng lọc bụi (N95), khẩu trang than tre hoạt tính.
Người dân không nên tập trung, thể dục ngoài trời trong tình hình không khí có nhiều khói bụi ô nhiễm. Cần vệ sinh mũi mỗi tối.
Với trẻ con, cha mẹ cần cẩn thận bảo vệ sức khoẻ con mình, hạn chế ra đường, dùng khẩu trang lọc bụi mịn, sử dụng máy lọc không khí trong nhà và giữ ấm mũi họng, cổ.
Theo Hoàng Lê (Trí Thức Trẻ)