Tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam thấp hơn các nước, kệ người tiêu dùng?

11/04/2019 08:33:00

Câu hỏi lớn nhất người tiêu dùng đặt ra: Các tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam có phải đang thấp hơn quốc tế, khi các nước cấm, Việt Nam vẫn dùng.

Suốt tuần qua, việc cơ quan chức năng của thành phố Osaka, Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt của Việt Nam đã khiến người tiêu dùng thực sự lo lắng, khi tại Nhật Bản không cho phép sử dụng axit benzoic trong tương ớt còn Việt Nam vẫn dùng.

Vậy có hay không việc sức khoẻ người tiêu dùng Việt Nam bị coi nhẹ hơn các nước khi tiêu chuẩn không chỉ trong tương ớt mà nhiều sản phẩm khác quá thấp?

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định, không có chuyện tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam thấp hơn thế giới, do được xây dựng dựa theo tiêu chuẩn của Uỷ ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex). Hiện 189 quốc gia đang áp dụng theo tiêu chuẩn này, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ...

Tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam thấp hơn các nước, kệ người tiêu dùng?
Bộ Y tế khẳng định tiêu chuẩn thực phẩm của Việt Nam ngang bằng với tiêu chuẩn chung của thế giới

Là người trực tiếp tham gia xây dựng Thông tư 27/2012/TT-BYT và Thông tư 08/2015/TT-BYT về quản lý phụ gia thực phẩm, ông Lê Hoàng, Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm cho biết, danh mục hơn 400 chất phụ gia trong 2 thông tư nói trên được xây dựng hoàn theo theo tiêu chuẩn Codex, không tham chiếu thêm tài liệu nào.

Ban soạn thảo xây dựng thông tư gồm đầy đủ các bộ ngành: Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ KH-CN, Bộ Công Thương...

Ngoài ra quá trình xây dựng văn bản phải xin ý kiến các doanh nghiệp, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội khoa học, hiệp hội sản xuất liên quan đến thực phẩm.

“Do là thành viên của WHO nên Việt Nam cũng phải xin ý kiến các nước thành viên trước khi quy định được ban hành. Tất cả những thủ tục này mất ít nhất 1 năm”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Hoàng cho biết thêm, qua từng năm, Bộ Y tế cũng phải tiến hành rà soát, cập nhật lại các danh mục phụ gia thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. 

Tiêu chuẩn thực phẩm Việt Nam thấp hơn các nước, kệ người tiêu dùng? - 1
Bảng so sánh hàm lượng một số phụ gia thực phẩm giữa Nhật Bản và Việt Nam. TK: T.Hạnh

Đặt vấn đề kiểm tra thành phần sản phẩm có đúng như nhãn mãn, ông Hoàng cho biết, với các sản phẩm thực phẩm, theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã phân rõ từng nhóm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, NN&PTNT, Công. Theo quy định này, sản phẩm tương ớt sẽ do Bộ NN&PNT quản lý nhưng phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến lại thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Do đó các sản phẩm thực phẩm nói chung và sản phẩm đóng hộp nói riêng, thuộc danh mục của Bộ nào thì Bộ đó sẽ kiểm tra. Hiện tại, theo Nghị định 15, cơ quan chức năng sẽ giảm tiền kiểm, thay vào đó doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm với cơ quan có thẩm quyền, trong quá trình quản lý, cơ quan nhà nước sẽ thực hiện hậu kiểm theo quy định.

Trước đó, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm cũng giải thích, việc một số thành viên Codex có những quy định chặt chẽ hơn do căn cứ vào thói quen, mức độ sử dụng sản phẩm của người dân tại quốc gia đó.

Trong tranh chấp thương mại, Codex được lấy làm tiêu chuẩn tham chiếu. Nếu tuân thủ theo Codex thì không phải đưa ra bằng chứng, nếu khác biệt với Codex, quốc gia đó phải đưa ra bằng chứng khoa học.

Cũng theo bà Nga, các phụ gia thực phẩm muốn có mặt trong danh mục của Codex phải thông qua Uỷ ban phụ gia thực phẩm của tổ chức này, qua 8 bước đánh giá nghiêm ngặt về độ an toàn, cách sử dụng. Thông thường, một phụ gia được đưa vào danh mục của Codex sau 5-7 năm nghiên cứu, có phụ gia mất 10 năm.

Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)

Nổi bật