Liên quan đến việc Nhật Bản thu hồi 18.000 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam do có chứa chất phụ gia bị cấm dùng trong tương ớt của Nhật Bản vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản chính thức có phản hồi về vụ việc.
Diễn biến sự việc và phản hồi từ phía Nhật Bản
Ngày 8/3/2019 từ Cục Y tế và Phúc lợi Tokyo đã có thông tin như sau: Cán bộ giám sát thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế công cộng quận Shinjuku đã thu hồi toàn bộ chai tương ớt Chinsu từ điểm bán hàng tại quận Shinjuku, sau khi kiểm tra đã phát hiện sản phẩm vi phạm có ghi Người bán hàng là Công ty ISC Industry JSC có dán nhãn sản phẩm không ghi chất phụ gia và cho rằng sản phẩm này đã vi phạm Luật Vệ sinh thực phẩm và Luật Dán nhãn thực phẩm.
Ngay sau đó, Trung tâm Y tế công cộng thành phố Osaka đã lập tức mở cuộc điều tra thì phát hiện trong sản phẩm có chứa chất phụ gia thực phẩm (Axit Benzoic và Axit Sorbic) được biết nhà nhập khẩu sản phẩm tương ớt Chinsu là công ty Javis tại Osaka đã nhập khẩu lô hàng nói trên. Lô hàng tương ớt Chinsu được nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 7/12/2018. Với lý do vi phạm nói trên, Giám đốc Cục Y tế thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ các mặt hàng có liên quan.
Bên vi phạm là công ty Javis, có trụ sở tại quận Higashi, Osaka. Công ty bán là công ty TNHH Công nghiệp ISC có trụ sở tại Kobe.
Nội dung vi phạm là sản phẩm sử dụng chất phụ gia chưa được công nhận dùng trong sản phẩm tương ớt tại Nhật Bản.
Ngoài ra, sản phẩm còn vi phạm Luật dán nhãn thực phẩm, do đó yêu cầu từ sau này phải tiến hành theo đúng quy định của Luật.
Toàn bộ sản phẩm tương ớt gồm 757 thùng tương đương 18.168 lọ của Công ty TNHH Công nghiệp ISC đã bán hết.
Ảnh hưởng của chất phụ gia đối với sức khỏe người tiêu dùng
Tại Nhật Bản, các chất phụ gia như Axit Benzoic và Natri Benzoat được sử dụng với hàm lượng tiêu chuẩn 2.5g/Kg; trong sản phẩm bơ Magarin sử dụng 1.0g/Kg, nước uống, Siro, xì dầu 0,60g/Kg và trong các sản phẩm bánh kẹo khác cũng được sử dụng khoảng 1.0g/Kg.
Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo lượng axit benzoic được phép tiêu thụ hằng ngày không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người là 5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Tức là nếu một người có trọng lượng 50kg thì được phép tiêu thụ 0,25g axit benzoic/ngày.
Trong kết quả xét nghiệm, lượng axit benzoic tối đa trong các chai Chin-su nhập khẩu vào Nhật là 0,45g/kg, nên trang www.city.osaka.lg.jp khẳng định một người nặng 50kg có thể tiếp tục ăn 0,56kg tương ớt (khoảng 0,22g axit benzoic) mỗi ngày trong suốt cuộc đời mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Tương tự, một người cân nặng 30kg có thể tiêu thụ 0,33kg (khoảng 1/3 chai) tương ớt mỗi ngày.
Với những thông tin trên, ông Tạ Đức Minh cho rằng, sản phẩm tương ớt Chinsu do công ty Nhật Bản nhập khẩu và bán lẻ tại thị trường Nhật Bản vi phạm khoản 2 điều 11 của Luật Vệ sinh thực phẩm Nhật Bản do chất phụ gia Axit Benzoic không được cho phép sử dụng trong tương ớt tại Nhật Bản và phi phạm quy định của Luật dán nhãn thực phẩm.
Từ vụ việc trên, ngay từ tháng 10/2018, Nhật Bản đã khuyến cáo những mặt hàng bị cấm nhập vào Nhật Bản, đặc biệt là mang thực phẩm tươi sống, thực vật như hoa quả, rau… bằng đường hàng không theo kiểu xách tay. Đến đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Nông Lâm Thủy sản Nhật Bản ra một thông báo khẩn mới về hiện tượng mang thực phẩm trái phép và những chất cấm có trong thực phẩm tươi sống, chế biến gia tăng đột biến. Năm 2018 đã có 94.000 vụ vi phạm tăng 1,6 lần so với năm 2016. Bộ khuyến cáo mang những mặt hàng cấm là vi phạm phạm luật Nhật Bản. Theo đó, có thể sẽ bị phạt tới 1.000.000 Yên (tương tương hơn 200 triệu đồng Việt Nam), hoặc bị phạt tù đến 3 năm./.
Theo Bùi Hùng (VOV.vn)