Lãi suất tiết kiệm đồng loạt giảm mạnh
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân từ 0,25-0,5 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1 và 2 tháng lãi suất giảm 0,3%/năm, xuống 3,7%/năm; kỳ hạn 3 tháng hạ 0,25%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,9%/năm xuống còn 4,4%/năm; kỳ hạn trên 6 tháng giảm 0,5%/năm. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này là 6,1%/năm ở kỳ hạn 24 tháng, thay vì 6,6%/năm trước đó.
Lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đầu tháng 7 cũng giảm ở nhiều kỳ hạn. Các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,25-0,3 điểm %. Các kỳ hạn từ 6 tháng giảm 0,5%. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VietinBank hiện còn 6%/năm.
Agribank cũng hạ lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, với mức giảm cao nhất tới 0,5 điểm % so với trước đó. Hiện lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tại nhà băng này chỉ còn 3,7%/năm; kỳ hạn 12-24 tháng còn 6,6%/năm.
Tại Ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV), lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 và 2 tháng giảm 0,3 điểm%/năm, còn 3,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng giảm 0,5%/năm. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này còn 6%/năm, giảm 0,5 điểm % so với tháng trước.
Không chỉ ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, làn sóng giảm lãi suất cũng đồng loạt diễn ra tại các ngân hàng thương mại cổ phần.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) giảm từ 7,45%/năm xuống còn 7,25%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, từ 7,8%/năm xuống 7,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Tại Ngân hàng ACB, mức lãi suất cao nhất giảm từ 7%/năm còn 6,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) giảm lãi suất huy động cho các kỳ hạn dưới 6 tháng từ 3,4-3,95%/năm.
Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank), lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng còn 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng xuống 5,7%/năm.
Ngân hàng VIB giảm lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn dưới 6 tháng với mức giảm 0,3%/năm, xuống dưới mức 4%/năm. Với các kỳ hạn từ 6-11 tháng, lãi suất huy động hạ từ 0,6-0,8 %/năm.
VPBank giảm mạnh lãi suất ở các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,5%/năm.
Các ngân hàng khác cũng đồng loạt điều chỉnh hạ lãi suất, với mức giảm phổ biến 0,2-0,3%, một số ngân hàng giảm trên dưới 0,5%.
Hiện lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,4-4,25%/năm với kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng; kỳ hạn 6-12 tháng dao động quanh mức 4,4-6,3%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuống dưới 8%/năm.
Đáng chú ý, nếu như trước đây lãi suất dưới 6 tháng ở nhóm các ngân hàng nhỏ hầu hết niêm yết ở mức kịch trần là 4,25%/năm thì hiện giảm dưới mức trần, cao nhất là 4,2%/năm, nhiều ngân hàng niêm yết ở mức lãi 3,8-4%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi trung, dài hạn của các ngân hàng có vốn nhà nước thấp hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác từ 0,5-1,5%/năm.
Lãi suất tiết kiệm với số tiền gửi lớn vẫn neo cao
Theo biểu lãi suất của hơn 30 ngân hàng thương mại ngày 7/7, tuy lãi suất huy động các kỳ hạn của các ngân hàng đều hạ nhưng lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn tại một số ngân hàng hiện vẫn neo ở mức cao.
Trong đó, SHB vẫn là ngân hàng có lãi suất tiền gửi cao nhất. Nhà băng này đang áp dụng mức lãi suất 9,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với điều kiện số tiền gửi phải từ 500 tỷ đồng trở lên. Cùng với hạn mức tiền gửi trên 500 tỷ đồng, khi khách hàng gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng cũng được hưởng mức lãi suất đến 8,9%/năm.
Ngân hàng có lãi suất cao tiếp theo là Bản Việt (VietCapital Bank) với 8,5%/năm áp dụng ở kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
Với cùng điều kiện tiền gửi trên 500 tỷ đồng và ở kỳ hạn 13 tháng, ABBank công bố mức lãi suất 8,3%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.
Đầu tháng 7 này, Ngân hàng Eximbank vẫn áp dụng mức lãi suất hấp dẫn 8,4% ở kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi trên 100 tỷ đồng dành cho khách hàng mở mới tài khoản, lãi cuối kỳ. Với kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng này đưa mức lãi suất 8,4% dành cho khách hàng gửi số tiền trên 500 tỷ đồng, 8,2% với số tiền gửi 300-500 tỷ đồng và 8% với 200-300 tỷ đồng, với số tiền dưới 200 tỷ đồng là 7,5%/năm, lãi cuối kỳ.
Ngân hàng OCB đang áp dụng mức lãi suất 8,20% cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.
Còn Ngân hàng SCB lại đưa mức lãi suất ưu đãi 8,05%, cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, với sản phẩm "tiền gửi tiết kiệm phát lộc tài".
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cổ phần nhỏ trước đây áp dụng lãi suất cao trên 8%/năm cho các kỳ hạn gửi dài thì nay lãi suất đã giảm đáng kể.
Đơn cử, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cuối tháng 6 đưa ra mức lãi suất tiền gửi cao nhất 8,1% với kỳ hạn 18-36 tháng và không có điều kiện số tiền gửi đi kèm thì đầy tháng này hạ xuống còn 7,90%.
Mức lãi suất 7,90% cũng được LienVietPostBank áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, với số tiền từ 300 tỷ trở lên.
PVcomBank đưa ra mức lãi suất 7,99% cho kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, với số tiền từ 500 tỷ trở lên.
Sacombank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 7,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng kèm theo yêu cầu là số tiền gửi phải 100 tỷ trở lên.
Nhiều ngân hàng cũng đưa ra mức lãi suất huy động cao từ 7,2-7,7%/năm cho các kỳ trung và dài hạn như: Kienlongbank, SeABank, ACB, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Bắc Á, Saigonbank, VIB, HDBank, MBBank, OceanBank...
Đầu tháng 7 này, lãi suất gửi online của các ngân hàng cũng thường cao hơn 0,1-0,3 điểm %, thậm chí tới 0,8 điểm % so với gửi tại quầy.
Theo Anh Tuấn (VietNamNet)