Ngày đầu tiên của tháng 7, một số ngân hàng lớn quyết định giảm lãi suất huy động. Cụ thể, Vietcombank điều chỉnh giảm từ 0,4 - 0,5 điểm % so với mức lãi suất niêm yết trước đó, đưa dải lãi suất của nhà băng này chỉ còn thấp nhất từ 3,7%/năm (với kỳ hạn 1 tháng) đến cao nhất là 6,1%/năm (cho kỳ hạn 12 tháng). Tại VietinBank và BIDV, lãi suất giảm từ 0,25 - 0,5 điểm, thấp nhất cũng chỉ còn 3,7%/năm và cao nhất là 6%/năm.
Như vậy đây là lần giảm lãi suất tiết kiệm thứ 3 liên tiếp chỉ trong vòng hơn 3 tháng trở lại đây của các ông lớn ngân hàng. Riêng tại BIDV, từ ngày 01/7 ngân hàng này không chỉ hạ lãi suất huy động mà còn công bố giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong khi các ngân hàng lớn đồng thuận hạ lãi suất thì biểu lãi suất tại các ngân hàng tư nhân cũng có sự thay đổi lớn kể từ ngày đầu tiên của quý 3. Chưa dừng lại ở đó, biểu lãi suất mới áp dụng được 1 ngày thì đến hôm sau (tức hôm nay 2/7) lại thay đổi tiếp.
Cụ thể tại VPBank, chiều ngày 30/6 ngân hàng này thông báo tăng lãi suất tới 0,4 - 0,6%/năm từ ngày 01/7 cho khách hàng VIP có số tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, áp dụng cho các khoản tiền gửi trung và dài hạn.
Tuy nhiên đến chiều 01/7, VPBank lại thay đổi chính sách khi thông báo giảm lãi suất đối với tất cả các sản phẩm tiết kiệm và tiền gửi kỳ hạn bằng VND và AUD, cả giao dịch tại quầy lẫn trên kênh online, mức giảm từ 0,3 - 1,1%/năm, áp dụng từ ngày 02/7. Hiện dải lãi suất huy động mới của ngân hàng này đi từ 3,8%/năm (kỳ hạn 1 tháng tại quầy) tới cao nhất là 6,5%/năm đối với khách hàng có khoản tiền gửi dưới 300 triệu. Còn nếu có tiền gửi nhiều hơn thì lãi suất cao nhất là 7,35%/năm cho khoản tiền gửi hơn 50 tỷ đồng và kỳ hạn 13 tháng.
Tại Techcombank, lãi suất huy động cũng được thông báo có thay đổi kể từ đầu tháng 7. Theo đó, ngân hàng này từ 01/7 đưa lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống chỉ còn 3,4 - 3,6%/năm, và lãi suất cao nhất là 6,2%/năm áp dụng cho các khoản tiền từ 3 tỷ trở lên và gửi 12 tháng. Riêng kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lãi suất chỉ dao động từ 3,5 - 4,05%/năm tùy thuộc số tiền gửi và hình thức gửi (gửi tại quầy thấp hơn chút ít so với gửi online).
Nhưng sang ngày 2/7, Techombank lại thông báo giảm tiếp lãi suất, với kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất chỉ còn 3,95%/năm và thấp nhất vẫn là 3,4%/năm. So với biểu lãi suất ngày 01/7, mức giảm thêm tối đa là 0,15%.
Và với sự điều chỉnh 2 ngày liên tục, Techcombank đang là ngân hàng đang có biểu lãi suất huy động kỳ hạn ngắn ở mức thấp nhất thị trường hiện nay, thấp hơn cả 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Trong vòng 2 tháng qua, Techcombank đã thay đổi bảng lãi suất huy động tới 5 lần.
Sacombank cũng vừa thông báo điều chỉnh lãi suất từ ngày 2/7 khá mạnh tay. Theo đó đối với khoản tiền gửi bằng VND lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 3,9 - 4,05%/năm còn lãi suất cao nhất là 7,8%/năm cho khoản tiền 13 tháng kèm theo yêu cầu là số tiền gửi phải 100 tỷ trở lên. Cũng với khoản tiền gửi 13 tháng, nếu dưới 100 tỷ đồng thì Sacombank chỉ áp dụng lãi suất như kỳ hạn 12 tháng tức lãi 6,5%/năm. Còn với các khoản tiền gửi bằng Yên Nhật và đô la Úc (JPY và AUD), trước ngày 2/7 lãi suất ở Sacombank từ 0,3% cho đến 1,5%/năm nhưng với các khoản tiền tái tục thì lãi suất là 0%/năm.
Tại các ngân hàng khác trong hệ thống, lãi suất cũng được điều chỉnh đồng loạt theo các ngân hàng lớn từ ngày 01 hoặc 02/7, với mức giảm phổ biến 0,2 - 0,3 điểm %, một số nơi giảm trên dưới 0,5 điểm %. Đây là sự điều chỉnh đồng loạt của cả hệ thống một cách khá bất ngờ khi không có hiệu lệnh chung của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất điều hành.
Theo một số ngân hàng, dù NHNN không giảm lãi suất điều hành nhưng cơ quan quản lý yêu cầu các tổ chức tín dụng trong hệ thống tập trung tiết giảm chi phí, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế do tác động của dịch bệnh Covid-19, do vậy việc giảm lãi suất huy động là một trong những hình thức được ngân hàng chọn lựa đầu tiên để giảm chi phí vốn đầu vào.
Ngân hàng lớn đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động VND
Theo Hằng Kim (Trí thức trẻ)