Ngay từ hồi yêu nhau, mẹ chồng Yến đã không hài lòng về cô. Dù Đạt – lúc ấy vẫn còn là người yêu, không nói thẳng với cô song Yến biết, mẹ anh chê nhà cô nghèo, bản thân cô lại không kiếm ra nhiều tiền. Sau đó vì Đạt kiên quyết muốn lấy Yến, bà đành phải ưng thuận.
Cũng bởi chả ưa Yến ngay từ đầu nên cuộc sống làm dâu của Yến ở nhà Đạt phải chịu đủ mọi ấm ức. Cưới xong cô có bầu ngay, Đạt khuyên vợ chịu khó nghỉ ở nhà sinh con đợi con cứng cáp rồi đi làm lại, sợ cô vất vả. Yến nghe lời chồng, nhưng ở nhà cùng mẹ chồng cô mới dần hối hận, bởi thời gian chung đụng quá nhiều mà phát sinh rất nhiều mâu thuẫn vụn vặt.
Mẹ chồng Yến đã về hưu, có nhiều thời gian rảnh nhưng bà không giúp con dâu đang bụng mang dạ chửa bất cứ việc gì, việc nhà vẫn giao khoán cho cô toàn bộ. Trước mặt Đạt bà luôn vui vẻ, ngọt nhạt với Yến, mà khi anh đi làm thì thái độ của bà quay ngoắt 180 độ. Bà thường xuyên bắt bẻ, xét nét và nói những câu thực sự khiến Yến tủi thân. Bụng to vẫn cố gắng chu toàn mọi việc, thái độ ngoan ngoãn, chẳng dám cãi nửa lời của cô vẫn không thể làm hài lòng bà.
Đặc biệt khiến Yến ấm ức là mẹ chồng thường xuyên so sánh cô với con dâu nhà hàng xóm. Lúc thì: "Con bé đấy nó giỏi giang lắm, kiếm tiền như rác, một tháng bao nhiêu tiền như thế, bố mẹ chồng được nhờ phải biết!", hay: "Đấy, lấy vợ phải lấy cái đứa như thế, chứ lấy loại ăn bám vô dụng về thì chỉ tổ nuôi mệt xác!", hoặc:"Ước gì cũng được như nhà bà Tám, có cô con dâu tuyệt vời hết ý".
Mỗi khi mẹ chồng Yến có bạn đến chơi, bà như được dịp cởi bỏ nỗi lòng, không ngơi bày tỏ sự tiếc nuối khi Đạt vớ phải một cô vợ chả làm được cái gì cho ra hồn như Yến. "Đời này tôi chỉ mong thằng Đạt lấy được đứa vợ như cái Thảo con dâu nhà bà Tám thôi. Chứ lấy kiểu vợ vô dụng ở nhà chồng nuôi, hoặc đi làm lương chẳng đủ ăn sáng thì chán lắm. Mình sống được bao nhiêu, chỉ thương con trai bao gánh nặng cũng đổ lên đầu nó thôi. Thế mà trước đây tôi nói nó đâu có nghe, không hiểu bị ăn bùa mê gì nữa…", bà thản nhiên bộc bạch chẳng quan tâm gì tới cảm nhận của cô con dâu chính thức là Yến nữa. Yến nghe được những lời mẹ chồng nói, nước mắt không cầm được chảy dài. Song lúc chồng về cô vẫn cố giữ cho cảm xúc bình thường, kẻo chồng cô lại phải lo lắng khi công việc trên công ty đã quá mệt mỏi.
Mọi chuyện có lẽ sẽ chẳng có gì thay đổi, nếu như bác Tám nhà hàng xóm không bị bệnh phải nằm viện phẫu thuật. Nhà bác ấy có độc một anh con trai, Thảo là con dâu và cũng là phụ nữ còn lại duy nhất trong nhà. Thế nhưng kể từ khi bác Tám nằm viện, Thảo chưa vào trông mẹ chồng được ngày nào, thậm chí nấu cơm mang vào hay tới thăm hỏi cũng không. Lí do mà Thảo đưa ra là: công việc cô mệt mỏi, thức đêm chăm mẹ chồng thì hôm sau không làm việc được. Cô lại sợ mùi bệnh viện, nên đành hạn chế hết mức chuyện vào thăm bà Tám. Còn chuyện cô không nấu cơm mang vào cho bà, đơn giản vì cô nấu ăn không ngon. Bình thường ở nhà toàn bà Tám cơm nước, việc nhà, Thảo đi làm về chỉ việc ngồi vào mâm cơm mà thôi.
Bác Tám mới nằm viện mấy ngày mà ở nhà nháo nhào cả lên. Thứ nhất nhà cửa không ai dọn dẹp, đến bữa không có cơm ăn. Thứ hai, chuyện trông bà trong bệnh viện, chồng Thảo vào trông thì bà Tám không chịu, phần thương con thức đêm mai lại đi làm, phần ngại với con trai khi mà vệ sinh, tắm giặt bà không tự tay làm được. Bố chồng Thảo vào trông vợ được một hôm thì ông phát ốm lên, người già thức đêm rất mệt mỏi. Cuối cùng nhà Thảo quyết định thuê người, vừa nấu cơm mang vào cho bà Tám, vừa trông nom bà luôn. Bữa cơm người giúp việc khi nấu cho bà Tám thì tiện nấu cho cả nhà Thảo, còn dọn dẹp, quét tước thì cả nhà chia việc ra làm. Có mỗi mấy việc thế thôi nhưng cũng đủ làm nhà Thảo om nhà lên rồi ấy chứ.
Yến biết chuyện, cô không dám chê trách Thảo, bởi công việc của cô ấy đã rất mệt mỏi, lương cao đâu phải đơn giản mà có được, chính thế cô ấy không chu toàn được việc nhà cũng có thể thông cảm được. Song thái độ của Thảo với mẹ chồng thật sự không mấy nhiệt tình cho lắm. Còn mẹ chồng Yến, khi biết tình cảnh nhà bà hàng xóm từ lúc bà nhập viện, mẹ chồng Yến bỗng yên ắng lạ thường, không còn thường so sánh con dâu mình với Thảo nữa. Có lẽ bà đã nhận ra, chẳng có ai là hoàn hảo, được mặt này sẽ mất mặt khác. Yến tuy không kiếm ra nhiều tiền song vẫn có điểm tốt của cô. Thảo kiếm ra tiền lại có khiếm khuyết của cô ấy. Còn bà đòi hỏi con dâu vừa lương cao vừa đảm đang việc nhà, vừa hiếu thuận hết lòng với mình, cái gì cũng được như ý bà thì e rằng điều đó là rất khó!
Theo Thái Nguyên (Helino)