Ngày 26.10, mạng xã hội lan truyền thông tin một số khu vực tại Hà Nội có dịch virus nguy hiểm, có thể gây chết người trong một thời gian ngắn.
Cụ thể, tài khoản Bình Nguyên viết: "Các mẹ có con nhỏ tránh mạn Chùa Bộc và các mạn quanh Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y bán kính 2km ra cho lành nhé. Bệnh viện này có hai người dính virus - sau có mấy hôm thì chết. Hiện chưa biết virus gì và cơ chế lây nhiễm như thế nào. Các bác sĩ nói khu đó đang có dịch rất căng và người của viện đang hoảng loạn xem nên tránh khu vực dịch như thế nào".
Ngay sau đó, hàng loạt trạng thái khác có nội dung tương tự được chia sẻ đồng loạt phản ánh về virus viêm cơ tim có khả năng thành "dịch". Những dòng trạng thái này nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Thông tin trên khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Vinh - Điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội) phân tích những thông tin đồn thổi trên mạng xã hội là do virus viêm cơ tim nhưng ai tìm ra virus?
"Không đơn giản để tìm ra nguyên nhân của viêm cơ tim. Vậy lấy lý do gì để khẳng định do virus gây ra. Còn có bao nhiêu bệnh nhân ở Việt Nam đang nhập viện vì căn bệnh này? Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hiện không tiếp nhận bệnh nhân có bệnh lý này.
Virus có rất nhiều loại virus, phân lọc virus không dễ. Thông tin vỉa hè trên Facebook chưa xác tín vì ngay cả bác sĩ điều trị còn mất nhiều năm mới xác định được virus. Vì thế, chúng tôi chỉ cảnh báo khi bắt nguồn từ bệnh nhân có thật, được xác định danh tính, hồ sơ bệnh lý còn tin đồn thì không" - Thạc sĩ Nguyễn Xuân Vinh cho hay.
Theo thạc sĩ Nguyễn Xuân Vinh, nếu thực sự có loại virus, bệnh mới thì sẽ có công bố thông tin quốc gia về bệnh lý, bệnh dịch đó. Hơn hết, chính bác sĩ điều trị sẽ báo cáo với đơn vị quản lý và công bố, cảnh báo cho người dân.
Thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nữ (sinh năm 1976) vào viện khoảng 17h15 phút ngày 19.10 với lý do sốt 4 ngày liên tục.
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết và có kết quả Dengue âm tính, cúm âm tính, BC máu giảm, TC máu 75.
Tối cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện cảm giác mệt, đo huyết áp 90/60, men tim TnT 80, sau phải dùng vận mạch. Các bác sĩ tiên lượng tình trạng nặng nguy cơ phải làm tim phổi máy (Ecmo - phương pháp oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, sử dụng một hệ tuần hoàn để thực hiện quá trình trao đổi oxy ở bên ngoài của cơ thể nhằm hỗ trợ và duy trì chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng). Sau đó, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã liên hệ với khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) để chuyển bệnh nhân sang.
Khi bệnh nhân chuyển viện huyết áp đo được 140/90 có dùng vận mạch, ý thức tỉnh, thở oxy kính. Có bác sĩ đi cùng và xe cứu thương đưa bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai an toàn lúc 2h17 ngày 20.10.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được hồi sức, lọc máu đến khoảng 9h ngày 20.10 được làm tim phổi máy tại giường (Ecmo), đến 6h sáng 21.10 tử vong.
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc tim, viêm cơ tim cấp.
Các bác sĩ nhận định, đây là ca viêm cơ tim rất nặng. Về nguyên nhân, virus là nguyên nhân thường gặp đối với bệnh nhân viêm cơ tim, song không phải được mô tả là lây lan, có dịch. Các bệnh viện vẫn gặp những ca nặng tương tự quanh năm.
Viêm cơ tim là một bệnh lý phức tạp, người bệnh có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào từ trẻ nhỏ cho tới người cao tuổi. Nguy hiểm hơn, căn bệnh này có nguy cơ tử vong rất cao nếu chuyển thành viêm cơ tim cấp mà không được điều trị kịp thời. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm cơ tim.
Viêm cơ tim là sự viêm nhiễm cấp tính hay mạn tính ở cơ tim. Bệnh thường kèm theo viêm màng trong tim và viêm màng ngoài tim. Viêm cơ tim có thể gây tử vong nhanh chóng cho người bệnh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Đáng lưu ý, viêm cơ tim hay gặp ở người trẻ tuổi.
Theo Thảo Anh - Lệ Hà (Lao Động)