Ngày 26-7, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) thông tin vừa cứu sống bệnh nhi LPT (tám tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) bị viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim.
Trước đó, bé bị sốt khoảng 38 độ C nhưng chơi được, ăn uống bình thường nên người nhà chỉ nghĩ sốt thông thường. Sang ngày thứ hai, bé bớt sốt nhưng lại có cảm giác mệt. Đến ngày thứ ba (17-7), bé rơi vào tình trạng mệt, khó thở, ói nhiều nên gia đình đưa vào BV quận Tân Phú.
Nhận thấy tình trạng bé rất nguy kịch khi sốc nặng, rối loạn nhịp tim nên BV liền liên hệ hội chẩn ngay với BV Nhi đồng 1. Bé nhập Khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1 vào lúc 23 giờ ngày 17-7 trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp nặng, môi tím, trụy tim mạch. Tại đây, bé nhanh chóng được đặt nội khí quản, sử dụng thuốc chống rối loạn nhịp, trợ tim và hội chẩn với Khoa tim mạch can thiệp hỗ trợ, tiến hành đặt máy điều trị rối loạn nhịp tim giúp bé phục hồi.
Tuy nhiên, diễn tiến của bé ngày càng xấu dần nên BV đã kích hoạt báo động đỏ huy động các chuyên khoa và hội chẩn với BV Chợ Rẫy để áp dụng kỹ thuật ECMO (hay còn gọi tim phổi nhân tạo, tuần hoàn và trao đổi ôxy ngoài cơ thể) khi trái tim bé dần mất chức năng co bóp tống máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Trước khi kịp đặt máy ECMO, bé rơi vào tình trạng ngưng tim, ngưng thở nên các bác sĩ phải tiến hành hồi sức, ép tim cho bé gần 1 tiếng đồng hồ. “Với tình trạng ngưng tim do bệnh viêm cơ tim tối cấp, trước đây các ca này chắc chắn sẽ tử vong nhưng với việc áp dụng kỹ thuật ECMO đã cứu sống bé ngoạn mục” - BS Phạm Văn Quang, Trưởng Khoa hồi sức tích cực chống độc, chia sẻ.
Tuy nhiên, quá trình hồi phục của bé khá căng thẳng, hồi hộp. Song song áp dụng kỹ thuật ECMO, tim bé vẫn tiếp tục rối loạn nhịp, rung thất nên phải điều chỉnh máy tạo nhịp, rối loạn nhịp thậm chí sốc điện cho bệnh nhi. Ngoài ra, do tình trạng ngưng thở, ngưng tim, bé đối diện thiếu ôxy não có thể để lại di chứng nên các bác sĩ đã tiến hành song song kỹ thuật hạ thân nhiệt xuống 35 độ C để bảo vệ não cho bé.
“Đối với các ca khác, sau 1 giờ áp dụng kỹ thuật ECMO chúng tôi nghĩ đã có thể cứu sống được nhưng đối với bệnh nhi này, sau vài tiếng chúng tôi vẫn chưa dám khẳng định. Phải đến 24 giờ sau, khi bé cử động được chân và mắt bắt đầu chớp, chúng tôi mới nghĩ là bé đã sống và não hồi phục” - BS Quang kể lại.
Sau bảy ngày tiến hành kỹ thuật ECMO và các máy trợ tim, đến ngày 24-7, tình trạng bé đã ổn định, huyết động học tốt, tim hồi phục tốt nên được cai ECMO. Đến hôm qua (25-7), bé đã được cai máy thở, nếu diễn tiến thuận lợi, trong vòng một tuần nữa bé có thể xuất viện.
Các bác sĩ lưu ý bệnh viêm cơ tim thường do virus gây ra, đa dạng từ không có triệu chứng đến nặng và tử vong. Có những trường hợp mắc bệnh tự hết ở nhà còn nặng nhập viện thì BV mới ghi nhận được.
Trong năm 2018, BV Nhi đồng 1 chỉ ghi nhận gần 10 trường hợp viêm cơ tim tối cấp. Đối với bệnh nhân bị viêm cơ tim tối cấp, bệnh nhân rơi vào rối loạn nhịp tim, sốc tim. Trước đây, bệnh nhân viêm cơ tim tối cấp, khả năng cứu sống hầu như bằng 0,90%, sẽ tử vong nếu không dùng biện pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, viêm cơ tim biểu hiện triệu chứng ở cơ quan khác nên có thể bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác nên đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm. 50% bệnh nhân có biểu hiện ói, đau bụng, kích thích, vã mồ hôi do máu không đủ cung cấp lên não. Đối với những trường hợp này, bé thường quấy khóc nên khó đo được nhịp tim nên cần phải đánh giá mạch, mạch không rõ thì cần lưu ý cho làm rõ xét nghiệm cận lâm sàng. Kết quả siêu âm thường thấy bóng tim to.
Bệnh nhân cơ tim có thể sốt nhưng ít sốt cao, phụ huynh lưu ý nếu trẻ hạ sốt nhưng không khỏe hơn, lơ mơ, tay chân lạnh thì cần đưa đến BV kịp thời. Hiện nay, với kỹ thuật ECMO hiện đại, các trường hợp viêm cơ tim cầm chắc tử vong được cứu sống gần 50% minh chứng cho sự tiến bộ của y học.
Theo Hoàng Đan (Pháp Luật TPHCM)