Túi ni lông có thể nói là một trong những vật dụng nhẹ nhất nhưng cũng tiện lợi nhất trong cuộc sống. Sử dụng túi ni lông giúp bạn đựng đủ mọi thứ trên đời, trong đó tất nhiên không thể loại trừ đồ ăn thức uống. Đi chợ, mua hàng, rau củ quả, thịt cá... tất nhiên sẽ được đựng trong túi ni lông. Ai cũng có thói quen này, từ người bán hàng đến người mua hàng.
Mua rau, thịt, cá..., người bán hàng bỏ vào túi ni lông cho bạn xách về nhà, rất sạch sẽ, vệ sinh. Thế rồi đem về nhà, nhiều mẹ nội trợ chưa chế biến ngay, nhanh tay xếp luôn vào chiếc tủ lạnh đa năng của gia đình.
Để trong tủ lạnh, tùy mục đích ăn ngay hay mấy ngày nữa mới dùng đến, bạn chỉ cần đặt đúng ngăn là tủ lạnh sẽ bảo quản thực phẩm, miếng thịt sẽ luôn tươi ngon, không sợ vi khuẩn, hóa chất độc hại xâm nhập... Tuy nhiên, cũng nhiều người không bao giờ làm vậy vì sợ mắc bệnh ung thư.
Phải khẳng định rằng đựng thực phẩm trong túi ni lông có thể gây ung thư, nhưng đó là khi bạn dùng sai loại túi. Đừng bao giờ dùng túi ni lông thông thường để làm việc đó, đặc biệt là các loại túi có màu sắc xanh, đỏ, vàng, đen…. Bởi vì chúng chứa nhiều chất hóa dẻo độc hại, được tái chế từ rác nên bị nhiễm các kim loại nặng.
Theo Viện Nông nghiệp và Chính sách Thương mại Mỹ, các chất này có thể ngấm vào thức ăn. Sau đó, được hấp thụ vào cơ thể sẽ làm tổn thương gan, biến đổi gen, gây ung thư, vô sinh, sảy thai, dị tật bẩm sinh và những thay đổi về nội tiết tố. Nhiều chất độc thậm chí không thể biến mất khi rửa sạch, ngâm muối hay thậm chí là nấu chín.
Trên Nhịp sống Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, đựng thịt trong túi ni lông rồi nhét vào tủ lạnh có ưu điểm là không làm bay mùi, ám mùi vào tủ lạnh, đồ ăn thức uống cùng các loại thực phẩm sống trong tủ lạnh không bị ám mùi vào nhau.
Tuy nhiên, nhược điểm mà "chiếc màng bọc thịt" này đem lại thì quả khôn lường. "Sử dụng túi ni lông gói, bọc thực phẩm nói chung chứ không riêng gì thịt sẽ dẫn đến khả năng thôi nhiễm vào thực phẩm, gây hại sức khỏe khi chúng ta hấp thụ vào cơ thể. Nghiêm cấm đựng thịt trong túi ni lông để tủ lạnh trong thời gian dài. Vì khi ấy, chất nhựa có khả năng tan ra cao hơn, đặc biệt đối với những sản phẩm chứa nước, muối mặn, axit, chất béo như thịt đã chín, được tẩm ướp...", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, túi ni lông mua ngoài chợ, đặc biệt những loại có màu xanh, đỏ… thực chất là loại túi không được dùng để đựng thịt hay đặt vào tủ lạnh: "Đây là dạng túi làm từ nhựa tái chế, có chất độc, khả năng thôi nhiễm chất độc, khiến chúng ngấm vào thực phẩm là chuyện không thể tránh. Nếu thực phẩm ở dạng chín, ướt, có muối, mỡ đựng trong những loại túi này rồi cho vào tủ lạnh thì nguy cơ càng cao hơn. Chất nhựa làm loại túi này là chất nhựa tái sinh có nhiều chất độc hại bao gồm nhựa tái chế và chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ trộn thêm vào để tái chế".
Do đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, trong bất cứ trường hợp nào, nhất là trong vấn đề bảo quản thực phẩm như thịt sống hay thịt chín, chúng ta không nên lạm dụng túi ni lông. Nếu bắt buộc phải đựng thịt trong đó thì không nên dùng quá 2 lần (lấy ra dùng rồi cho lại vào tủ lạnh). Nên nhất định cần dùng thì nên dùng túi ni lông làm từ nhựa trong suốt nhưng phải đảm bảo là túi mới nguyên hoặc dùng màng bọc thực phẩm. Không đựng thực phẩm dạng ướt, chứa dầu mỡ vào túi ni lông. Khi mua thịt về nhà nên bỏ ra ngay, rửa sạch rồi cho vào hộp nhựa trong suốt, hộp thủy tinh... sẽ tốt hơn.
Lưu ý quan trọng khi bảo quản thực phẩm bằng túi ni lông
Phân loại túi cho các nhóm thực phẩm
Điểm khác biệt nằm ở các thành phần tạo nên chất liệu của các loại túi bảo quản thực phẩm. Các chuyên gia chỉ ra có 3 loại túi phổ biến trên thị trường phân theo chất liệu. Bao gồm polyethylenE (PE), polyvinyl clorua (PVC) và polyvinylidene clorua (PVDC).
Trong số đó, túi PE và PVDC tương đối an toàn và thường được sử dụng để đóng gói rau, củ, quả. Còn túi PE chủ yếu được sử dụng cho thực phẩm đã nấu chín và đóng gói dăm bông, xúc xích cũng như thực phẩm sơ chế sẵn.
Không nên tái sử dụng túi nhiều lần
Với màng bọc thực phẩm, dù là sử dụng cho rau, quả sạch thì cũng tuyệt đối không tái sử dụng sau khi dùng thực phẩm. Không chỉ gây khó khăn khi thao tác, mất mỹ quan mà còn mất vệ sinh, dễ làm lây lan các loại vi khuẩn, ảnh hưởng mùi vị món ăn.
Với các loại túi ni lông giữ tươi khác cũng không nên dùng lại nhiều lần. Nếu đựng thực phẩm sạch, mới dùng thời gian rất ngắn hoặc cùng loại rau, củ thì có thể tái sử dụng duy nhất 1 lần. Tuy nhiên, hãy rửa sạch và phơi khô để để đảm bảo công năng bảo quản và an toàn sức khỏe. Thay vào đó, chỉ nên sử dụng làm túi rác sau khi dùng.
Không để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thực phẩm, thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe. Hơn nữa, quá trình cấp đông và rã đông làm mất hơn 30% chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết.
Vì vậy, đừng nghĩ rằng dùng đúng loại túi ni lông thì có thể giữ được thực phẩm tươi ngon thật lâu. Với rau củ, tốt nhất là không quá 5 ngày. Còn thịt, cá không quá 10 ngày. Thức ăn nấu chín tốt nhất là không nên để qua đêm trong tủ lạnh vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ mang lại bệnh tật, bao gồm cả ung thư. Tuy nhiên, nếu bắt buộc thì bạn cũng đừng để lâu quá 2 ngày dù đã dùng màng bọc chuyên dụng.
PN (Nguoiduatin.vn)