PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - cho biết khi đọc thông tin này, ông không quá chú ý, nghĩ rằng đây chỉ là một thông tin mang tính chất lan truyền vui. Tuy nhiên, rất nhiều người bạn thân thiết của ông đã nhắn tin hỏi thực hư, thậm chí có cả những người có tầm ảnh hưởng chia sẻ thông tin này. Do đó, PGS Hiếu quyết định chính thức lên tiếng để làm rõ vấn đề.
Theo vị chuyên gia, phương pháp gây ho – hay còn gọi là “ho cưỡng bức” – thực chất không phải điều gì mới mẻ. Ông từng áp dụng kỹ thuật này từ những ngày đầu làm trong ngành tim mạch can thiệp.
Cụ thể, trong một số trường hợp bệnh nhân đang chụp mạch vành bị tụt huyết áp, nhịp tim chậm, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân ho vài tiếng để tăng áp lực trong lồng ngực, qua đó hỗ trợ lưu lượng máu trở lại tim, giúp duy trì ý thức trong thời gian ngắn. Có nghiên cứu thực nghiệm cho thấy ở người khỏe mạnh, ho có thể giúp tăng lượng máu về tim lên tới 700ml.
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh y học là một ngành khoa học thực chứng. Những nghiên cứu trên diện rộng không xác nhận hiệu quả rõ rệt của phương pháp ho như một “liệu pháp thần kỳ”. Khái niệm “hồi sức tim phổi bằng ho” (CPR cough) không được khuyến cáo sử dụng thường quy trong cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Quan điểm chính thức từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cũng nêu rõ: "CPR ho" không phải là một hình thức hồi sức tim phổi. Trong một số tình huống đặc biệt như rối loạn nhịp tim đột ngột ở bệnh nhân còn tỉnh táo và được theo dõi sát sao trong bệnh viện, việc ho mạnh có thể giúp duy trì tưới máu não tạm thời. Tuy nhiên, thủ thuật này bị hiểu sai khi lan truyền trên internet như một cách tự cứu phổ quát, dẫn đến nhầm lẫn nguy hiểm.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ không khuyến khích giảng dạy “CPR ho” cho người không chuyên, bởi trong phần lớn tình huống cấp cứu ngoài bệnh viện, bệnh nhân đã mất ý thức và không thể thực hiện hành động ho. Nếu cố gắng bắt người bệnh ho trong tình trạng khẩn cấp, có thể làm chậm trễ thời gian vàng của cấp cứu hồi sức tim phổi, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
PGS Hiếu khẳng định: ““CPR ho” chỉ có thể được cân nhắc trong môi trường y tế kiểm soát nghiêm ngặt như phòng thông tim (Cathlab), khi bệnh nhân tỉnh táo, có máy monitoring theo dõi điện tim liên tục. Dù vậy, đây chỉ là biện pháp tạm thời và không thay thế các can thiệp y khoa khác như dùng thuốc hay sốc điện”.
PGS Hiếu lưu ý người dân có thể thử nghiệm pháp ho khi cảm thấy chóng mặt, nhịp tim bất thường hoặc trong tình huống hóc dị vật. Tuy nhiên, không nên “thần thánh” hóa phương pháp này hay cố ép người đang nguy kịch phải ho cho bằng được.
Điều quan trọng nhất, theo PGS Hiếu, là phổ cập kiến thức hồi sức tim phổi (CPR) chuẩn mực cho cộng đồng. “Chúng tôi đang chuẩn bị video hướng dẫn cách cấp cứu ngừng tuần hoàn – hô hấp ngoài bệnh viện. Mong mọi người đón xem và cùng lan tỏa kiến thức đúng đắn”, PGS Lân Hiếu nói.
Theo Ngọc Minh (Nguoiduatin.vn)