Theo TS Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh da chịu nhiều ảnh hưởng của không khí, thời tiết. Mùa hanh khô như hiện nay, các bệnh lý về da… sẽ gặp nhiều hơn và diễn biến nặng hơn.
Nguyên nhân do độ ẩm không khí xuống thấp kéo giảm độ ẩm của da, làm da mất nước nhiều, tăng lớp sừng, khiến nhiều người da bị ngứa ngáy, căng, khô ráp. Nặng hơn là một số người bị bong tróc, nứt nẻ, ngứa da dữ dội, phải gãi liên tục làm cho da bị trầy xước...
Để chăm sóc và phòng bệnh da liễu trong thời tiết chuyển mùa hiện nay, bác sĩ Phương khuyến cáo, dưỡng ẩm da là yếu tố rất quan trọng. Với những người da khô có thể sử dụng thuốc mỡ và kem để dưỡng da có hiệu quả hơn. Điều cần chú ý là chỉ lựa chọn những loại sản phẩm dưỡng da có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cấp phép, đọc kỹ thành phần ghi trên bao bì sản phẩm…
Khi ra ngoài trời không quên bôi kem chống nắng dù trời mát. Các bác sĩ cảnh báo, một sai lầm nhiều người thường gặp khi trời thu mát mẻ là quên bôi kem chống nắng. Thực tế là trời khô hanh làm da khô nhanh hơn, nếu tiếp xúc nhiều với khói bụi thì da sẽ càng dễ nứt nẻ, mọc mụn. Vì thế, mỗi khi ra ngoài cần bảo vệ và che chắn cho da cẩn thận, không quên bôi kem chống nắng.
Cùng đó, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, điều này có thể loại bỏ vi khuẩn và virus có hại.
Về dinh dưỡng và chế độ ăn uống, cần chú ý bổ sung đủ nước, ăn nhiều rau, hoa quả. Bác sĩ khuyến cáo, uống đủ nước mỗi ngày là cách hiệu quả để da được cấp ẩm đủ từ bên trong. Hãy uống 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày, thậm chí vào những ngày hanh khô hơn thì cần tăng cường.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, da khô có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, như bệnh viêm da cơ địa. Do đó, nếu những cách trên đây không mang lại hiệu quả giảm tình trạng khô da, hãy đi khám bác sĩ da liễu.
Theo Duy Tiến (An Ninh Thủ Đô)