Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đã tiếp nhận một nam thanh niên 25 tuổi trong tình trạng lơ mơ, li bì, hạ đường huyết.
Qua điều tra, bệnh nhân trước đó uống rượu trong lúc đói. Trở về nhà, nam thanh niên này tiếp tục ngủ li bì và bỏ bữa. Gia đình tưởng bệnh nhân ngủ say nên không đánh thức. Tuy nhiên, khi được phát hiện bất thường và đưa tới bệnh viện, bệnh nhân gần như rơi vào hôn mê, tổn thương não.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, trường hợp này bị hạ đường huyết rất nặng. "Khi vào cấp cứu, lượng đường trong máu của bệnh nhân đã giảm gần như bằng không. Trường hợp này đã phải thở máy liên tục suốt 3 tuần", vị chuyên gia thông tin.
Trên thực tế, đây không phải trường hợp duy nhất rơi vào tình trạng này. TS Nguyên cho hay từng phải điều trị cho rất nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng đường máu tụt, tổn thương não, thậm chí mất não và tử vong.
Ông lý giải: "Khi uống rượu, bệnh nhân sẽ có cảm giác no giả. Điều này khiến nhiều người uống nhưng không ăn dẫn đến hạ đường huyết".
Nhiều trường hợp thậm chí uống liên tục trong vài ngày, phải tới khi nguy kịch mới vào viện. Lúc này, di chứng để lại sẽ rất nặng nề, nhất là ảnh hưởng tới não.
"Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy... Đáng nói hơn, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn nguy hiểm đến tính mạng", TS Nguyên lưu ý.
Trong thời gian vừa qua, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu vào nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan… Ngoài ngộ độc rượu có Ethanol, Trung tâm Chống độc còn tiếp nhận nhiều ca ngộ độc Methanol (cồn công nghiệp) trong tình trạng rất nặng, nguy kịch. Thậm chí, có bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm, đã mắc xơ gan cổ trướng, tiểu đường, nhưng hàng ngày vẫn uống rượu.
Theo nhận định của các chuyên gia, cận Tết, nhu cầu tiêu thụ rượu tăng cao khiến trên thị trường xuất hiện nhiều loại rượu kém chất lượng, rượu giá rẻ không rõ nguồn gốc. Điều này làm gia tăng tình trạng ngộ độc rượu.
Không chỉ vậy, rất nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng đường máu gần như bằng 0 và tổn thương não, thậm chí tử vong.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi uống rượu tạo cảm giác no giả, nên nhiều người uống mà không ăn dẫn đến bị hạ đường huyết. Có trường hợp uống liên tục vài ngày, uống quá nhiều tới khi nguy kịch mới vào viện thì đã để lại di chứng rất nặng nề, đặc biệt là di chứng não.
Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy... Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn nguy hiểm đến tính mạng.
Mặc dù ngộ độc rượu được cảnh báo nhiều, song nhiều người vẫn mua rượu không rõ nguồn gốc, rượu trôi nổi, rượu tự pha chế về uống.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng cảnh báo: "Nếu uống phải rượu giả lúc đầu say như uống rượu thông thường, nhưng 1-2 ngày sau mới mờ mắt, hỏng não thì đã quá muộn. Do đó, người dân không nên lạm dụng rượu, hơn nữa không mua các loại rượu không rõ nguồn gốc gây nguy hại đến sức khỏe", theo Dân trí.
NT (Nguoiduatin.vn)