Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đã tiếp nhận một nam thanh niên 25 tuổi trong tình trạng lơ mơ, li bì, hạ đường huyết.
Qua điều tra, bệnh nhân trước đó uống rượu trong lúc đói. Trở về nhà, nam thanh niên này tiếp tục ngủ li bì và bỏ bữa. Gia đình tưởng bệnh nhân ngủ say nên không đánh thức. Tuy nhiên, khi được phát hiện bất thường và đưa tới bệnh viện, bệnh nhân gần như rơi vào hôn mê, tổn thương não.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, trường hợp này bị hạ đường huyết rất nặng.
"Khi vào cấp cứu, lượng đường trong máu của bệnh nhân đã giảm gần như bằng không. Trường hợp này đã phải thở máy liên tục suốt 3 tuần", vị chuyên gia thông tin.
Trên thực tế, đây không phải trường hợp duy nhất rơi vào tình trạng này. TS Nguyên cho hay từng phải điều trị cho rất nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng đường máu tụt, tổn thương não, thậm chí mất não và tử vong.
Ông lý giải: "Khi uống rượu, bệnh nhân sẽ có cảm giác no giả. Điều này khiến nhiều người uống nhưng không ăn dẫn đến hạ đường huyết".
Nhiều trường hợp thậm chí uống liên tục trong vài ngày, phải tới khi nguy kịch mới vào viện. Lúc này, di chứng để lại sẽ rất nặng nề, nhất là ảnh hưởng tới não.
"Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy... Đáng nói hơn, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn nguy hiểm đến tính mạng", TS Nguyên lưu ý.
Theo BS. Nguyễn Mạnh Chiến, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Triệu chứng ngộ độc rượu thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, mà hầu hết bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch sau đó. Nếu không được nhập viện điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Có những trường hợp nặng, dù may mắn được cứu sống nhưng có thể đối mặt với di chứng về thần kinh, thị giác và chi phí điều trị rất tốn kém.
5 sai lầm khi uống rượu nhất định phải tránh để bảo vệ tính mạng
1. Uống khi đói bụng
Một nghiên cứu mới dựa trên khảo sát và theo dõi 2.600 người trưởng thành cho thấy, uống rượu khi bụng đói sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Cụ thể, những người thường uống rượu khi đói có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp cao gấp 1,5 lần so với những người ăn lót dạ rồi mới uống.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc uống nhiều rượu với bệnh cao huyết áp, nhưng nghiên cứu mới này còn tiến xa hơn một bước nữa. Những người uống một lượng nhỏ mà không ăn kèm sẽ dễ bị cao huyết áp hơn, kể cả uống ít. Nam giới và phụ nữ đều có kết quả tương tự, bất kể loại rượu nào.
2. Tắm sau khi uống rượu
Tắm ngay sau khi uống rượu bia sẽ làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa và dễ làm tổn thương chức năng đường tiêu hóa. Lý do vì lượng glucose dự trữ trong cơ thể sẽ tiêu hao nhiều do quá trình tuần hoàn máu khi tắm, dẫn đến cơ thể giảm nhiệt nhanh chóng. Đồng thời, rượu bia ức chế hoạt động sinh lý bình thường của gan, cản trở quá trình phục hồi dự trữ glucose trong cơ thể, dễ dẫn đến sốc, thậm chí gây tử vong trong trường hợp nặng.
3. Ăn mì, bún
Ăn mì, bún khi uống rượu là lựa chọn của nhiều người, nhưng thực chất không tốt cho dạ dày, nhất là vào mùa đông. Quá trình làm bún trải qua nhiều công đoạn và cần thêm một số phụ gia thực phẩm, ví như phèn chua. Loại này sẽ làm máu chảy chậm, lâu ngày lưu trong máu gây hại cho cơ thể. Khi kết hợp phèn chua với rượu có thể kích thích gan, tăng gánh nặng cho gan trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ, từ đó gây ra bệnh tật.
4. Ăn cà rốt
Cà rốt có nhiều caroten, nếu kết hợp với rượu có thể xảy ra phản ứng hóa học gây độc cho gan. Vì vậy, mọi người nên cố gắng tránh ăn cà rốt và rượu cùng nhau.
5. Uống trà
Đây là thức uống phổ biến của gần như mỗi gia đình và nhiều người có thói quen rời mâm rượu lên bàn trà, vì hy vọng trà giải rượu. Tuy nhiên đừng uống trà sau khi uống rượu, bởi sẽ làm tổn thương thận, nặng thắt lưng và chân, đau bàng quang... Rượu có vị cay nồng, uống xong dương khí tăng. Trà có vị đắng, chủ yếu thuộc âm, uống trà sau khi uống rượu, đặc biệt trà đặc, rất hại thận.
Những sai lầm thường mắc phải khi giải rượu
Uống nước chanh
Có rất nhiều sai lầm mọi người hay mắc phải khi giải rượu cho người uống rượu say. Một trong những sai lầm khi giải rượu nhiều người mắc phải là cho người say rượu uống nước chanh hoặc các đồ uống chua.
Tuy nhiên, nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với nước uống chua dễ gây nôn thêm, tổn thương dạ dày do có axit. Nên cho họ uống các đồ uống có đường, muối như nước đường, mật ong, nước canh…
Uống thuốc bổ gan để giải độc rượu
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, mọi người không nên cố săn lùng những loại thuốc có tác dụng bổ gan để giải độc rượu. Không có một loại thuốc giải độc nào chống được say rượu chứng minh có tác dụng hiệu quả rõ ràng. Các loại thuốc giải rượu chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần bù lại một số chất vitamin, muối, đường chứ không thể làm thay đổi hẳn việc đang hôn mê, ức chế thần kinh do ngộ độc rượu khi uống vào tỉnh trở lại là không có.
Để đảm bảo sức khỏe và hạn chế tác dụng phụ của rượu, khi uống rượu, mọi người cần ăn trước lót dạ dày. Người có bệnh về gan mật, huyết áp, tim... cần thận trọng khi uống rượu. Theo khuyến cáo, với nam giới, lượng rượu nên uống một ngày không quá 50ml loại rượu 39-40 độ, bia không quá 400ml. Còn nữ giới, lượng chỉ 1/2 của nam giới.
Uống thuốc giảm đau
Thực tế không ít người có thói quen uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say.
Điều này dễ có hại cho gan Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày gây chảy máu đường tiêu hoá.
Ngoài ra, khi say cũng lưu ý không uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.
Làm gì khi bị say rượu, ngộ độc rượu?
Kỹ năng xử lý ban đầu khi người thân bị ngộ độc rượu là rất quan trọng để tình trạng không bị diễn biến nặng lên và có thể dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng.
Có thể tổng kết những nguyên tắc chăm sóc, sơ cứu cho người say rượu, ngộ độc rượu như sau:
- Cần đặt người bệnh nằm nghiêng sang một bên để hạn chế việc bệnh nhân khi nôn, trớ ra lại hít vào phổi. Đồng thời, tư thế nằm này cũng giúp hạn chế hiện tượng tụt lưỡi.
- Thực hiện các biện pháp ủ ấm bởi người say rượu, ngộ độc rượu rất dễ bị mất nhiệt.
- Trong trường hợp bệnh nhân có thể ăn được thì nên cho bệnh nhân ăn, chú ý bổ sung thêm gluxit, các chất đường bởi bệnh nhân bị ngộ độc rượu rất dễ bị tụt đường huyết do bản thân rượu gây ra, đồng thời một phần lý do đến từ việc khi uống rượu thường ăn rất ít. Đặc biệt, với những người gầy yếu, suy dinh dưỡng, trẻ em thì nguy cơ tụt đường huyết lại càng cao.
- Một biện pháp cũng rất quan trọng chính là bù nước và bù muối cho bệnh nhân. Khi say, người ta thường nôn nhiều, vã mồ hôi, không ăn được dẫn đến tình trạng mất nước, mất điện giải. Trong trường hợp này, phương pháp bù nước, bù muối hiệu quả và dễ thực hiện ngay tại nhà chính là cho uống nước hoa quả, uống nước chanh pha muối, nước oresol, nước khoáng có muối…
- Người bị ngộ độc rượu, tùy theo thể trạng, mà có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cần đặc biệt theo sát để đề phòng các biến chứng, diễn biến xấu xảy ra, nhằm có biện pháp đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
PN (Nguoiduatin.vn)