Từ lâu, trong dân gian vẫn truyền nhau câu nói “ăn giò thủ no đủ cả năm”, để nói đến món giò thủ, giò tai ngày Tết. Thực tế, không chỉ dịp đầu năm mới mà mỗi khi có cỗ bàn, lễ lạt, nhiều gia đình vẫn mua hoặc tự gói loại giò này.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Công nghệ thực phẩm cho biết, theo truyền thống thì món giò lụa phổ biến hơn giò thủ. Món giò thủ là do người dân tự nghĩ và chế biến ra để tiết kiệm nguồn thực phẩm, nhất là các phần thịt ở đầu lợn.
Nguyên liệu chính của giò thủ gồm các phần thịt như má lợn, cổ lợn, tai lợn, lưỡi lợn… Tất cả những loại thịt này xào lên để có độ kết dính, sau đó cho thêm mộc nhĩ, nấm hương và thêm chút mắm, tiêu để tạo hương vị. “Món ăn này chỉ có thể sử dụng được trong thời tiết lạnh giá, hoặc bảo quản trong tủ lạnh. Nếu để ngoài tự nhiên trong điều kiện thời tiết nắng nóng sẽ bị chảy mỡ và không có độ kết dính”, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho hay.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám, tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, giò thủ khác với giò lụa là chứa nhiều mỡ và để nguyên miếng thịt khi làm. Do vậy, tỷ lệ mỡ (chất béo) có nhiều và sẽ cung cấp năng lượng lớn, dễ gây tăng cân dịp Tết.
“Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không ăn món truyền thống này. Khi ăn, mọi người cần chú ý kiểm soát năng lượng nạp vào bằng cách ăn ít đi, chỉ nên ăn thưởng thức chứ không nên ăn no”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Theo bác sĩ Hưng, hiện không còn lợn gạo như ngày xưa nên mọi người không quá lo lắng sợ mua phải giò làm từ lợn bệnh. Thế nhưng, khi làm món ăn này cần lựa chọn loại thịt còn tươi ngon, cho giá trị dinh dưỡng cao, chất lượng giò mới đảm bảo. “Loại giò này dễ làm, tốt nhất nên tự làm vì mua ngoài chợ, cửa hàng rất khó để kiểm soát chất lượng”, bác sĩ Hưng tư vấn.
Ngoài ra, khi làm giò thủ mọi người thường hay cho thêm mộc nhĩ, nấm hương vào để tạo mùi vị, dễ ăn hơn. Thế nhưng, việc cho thêm những thực phẩm này vào thì bảo quản cần phải kỹ lưỡng, nếu không sẽ rất nhanh hỏng. “Với giò thủ hay bất cứ món ăn nào, khi thấy có dấu hiệu hư hỏng không nên tiếc rẻ để sử dụng mà cần bỏ ngay, nếu cố ăn vào nhẹ thì gây rối loạn tiêu hóa, nặng thì ngộ độc nhập viện, như vậy thì sẽ làm cho đầu xuân năm mới mất vui”, tiến sĩ Hưng cảnh báo.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, vấn đề quan ngại nhất của giò thủ là chất lượng thịt. Khác với thịt đông hay giò lụa, giò thủ làm từ thịt ở phần cổ, phần đầu nên sẽ có nhiều các u cục hay còn gọi là hạch và phần thịt này cũng có nhiều lông, khó làm sạch.
Do vậy, các gia đình khi làm cần cẩn thận loại bỏ các khối u, lông để chất lượng món ăn đảm bảo nhất. Tại một số hàng quán, có thể vì làm nhiều hoặc vì lợi nhuận, người ta sẽ không làm kỹ, nhất là việc loại bỏ khối hạch, mỡ... Do vậy, mua đồ sẵn ngoài việc khó đảm bảo chất lượng còn có thể còn gây hại cho sức khỏe.
“Các u cục ở phần cổ, đầu lợn thực tế là các hạch bạch huyết của lợn có màu trắng xám hoặc vàng nhạt. Các hạch này dễ chứa mầm bệnh như vi khuẩn và virus, vừa có mùi hôi khó chịu, thậm chí có thể trực tiếp truyền bệnh vào cơ thể, rất khó tiêu diệt dù được nấu ở nhiệt độ cao. Do vậy, dù chế biến dưới hình thức nào, làm món ăn gì cũng cần loại bỏ kỹ lượng những khối u cục này”, PGS Thịnh cảnh báo.
Theo Lê Phương (Phụ Nữ & Pháp Luật)