Kinh doanh 'thú chơi' chốt 30 Tết: Cuộc 'đấu trí' người bán-kẻ mua

21/01/2023 09:32:13

Vài năm trở lại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh người bán chặt gốc, đập bỏ những chậu cây đào, cây quất vào ngày 30 Tết chứ nhất quyết không bán rẻ. Người bán đã có cái lý của người bán nhưng người mua cũng luôn có cái lẽ của mình.

Người bán than trời vì ế khách

Người đi bán cây Tết có thể chia làm hai nhóm: nhóm những người nông dân tự trồng mang đi bán và nhóm thương lái nhập cây để kinh doanh bán lại kiếm lời.

Ngồi nhìn dòng người tấp nập đi lại trên con phố rồi lại đưa mắt qua hàng quất đang chờ chủ nhân mới của mình, anh Hải - một tiểu thương buôn quất khẽ thở dài: “Năm nay ế ẩm quá. Kiểu này chỉ chết người bán như chúng tôi thôi!”

 

“Đã xách túi đi buôn cây cảnh thì ai chẳng muốn bán hết hàng và được giá cao. Những người tự trồng tự bán còn dễ thở vì nếu không bán được, có thể mang gốc về chăm sóc chờ cái Tết tiếp theo. Còn các “con buôn” như tôi thì ế là hết, chỉ có đường bán rẻ, bán tháo hoặc vứt bỏ thôi”, Anh Hải thở dài.

Một số tiểu thương buôn đào quất khác cũng cho biết, năm nay giá nhập cây cao hơn năm trước, giá thuê mặt bằng cũng cao hơn. Người mua cũng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng và dịch vụ, nhiều tiểu thương phải hỗ trợ luôn miễn phí vận chuyển về tận nhà cho “thượng đế”.

Gia đình anh Tiến - một nông dân trồng và bán quất cảnh năm nay trồng 5 sào vườn, thu về hơn 800 cây. Nếu như mọi năm bước sang 30 Tết số quất chưa bán được chỉ khoảng 10% thì năm nay anh vẫn còn gần 40% (tương đương 200 cây) chưa bán được. 

Những người nông dân tự trồng đào quất cũng cho biết. Nếu không bán được cây vẫn có thể đem về cắt cành trồng lại. Nhưng việc làm như vậy không hiệu quả bằng trồng cây mới.

Cái lý của người mua

Những người mua cây về chơi Tết cũng phân định ra 2 nhóm: nhóm người có thu nhập cao và nhóm người có thu nhập thấp. 

Đối với nhóm thu nhập cao thì mọi thứ trở nên rất đơn giản, đối với họ qua trọng nhất là chọn được cây đẹp, vừa ý cho nên họ sẽ mua sớm để “săn” được những cây ưng nhất.

Nhưng với nhóm thu nhập thấp thì câu chuyện lại không được suôn sẻ như vậy…Vừa đỡ chậu cúc, anh Tâm vui vẻ: “Cốt cũng để cho cái nhà có không khí ngày Tết, trẻ con nó phấn khởi! Mua sớm thì giá cây nhỏ cũng gần 200.000 đồng”.

Anh Bắc cùng con gái đang đi chợ Tết cho hay: “Năm nào đến 30 Tết tôi cũng chở con trai đi dạo một vòng tìm mua những cây giá rẻ, cây “ế”. Biết như vậy cũng không nên nhưng biết sao được, khi với người lao động chân tay như chúng tôi, Tết đến là bao thứ phải gồng gánh, chỉ muốn cho cái cháu có một cái Tết đầy đủ nhưng bao nhà”.

Không chỉ anh Bắc mà nhiều người dân khác cũng mang suy nghĩ như vậy nên những ngày giáp Tết, các hàng cây cảnh chỉ lác đác vài khách nhưng đến ngày 30, mọi người lại “tấp nập” ghé thăm.

Ngoài các nhóm người mua kể trên còn có những người do đặc thù công việc mà 30 Tết mới có thời gian đi sắm sửa, nhiều khi những người như vậy cũng bị đánh đồng là ham rẻ.

Chặt bỏ, đốt bỏ đào quất ngày 30 Tết, nên hay không?

Đứng về góc độ người bán, đây cũng chỉ là cách để họ tự bảo vệ lợi ích của mình. Họ không thể nào bỏ công sức, tiền của vào canh bạc mang tên “cây cảnh" rồi lại ê chề chịu “ăn ít” được. Việc đợi ngày 30 Tết mới đi mua hoa đã thành một thói quen khó bỏ của người dân và nếu cứ tiếp tục, người bán còn phải tiếp tục “nhịn đau” phá của đến bao giờ?.

Vài năm trở lại đây, nhiều thương lái thà chịu thua lỗ chứ không để người dân có thói quen cứ đến 30 mới đi mua cây cảnh rồi trả “cái giá ngày 30”. Tuy vậy, việc chặt hay đốt bỏ tài sản có thế nào cũng là một việc làm lãng phí chưa kể còn gây mất đi hình ảnh đẹp về ngày Tết cổ truyền của người Việt.

Hồi kết nào cho cuộc “đấu trí”?

Đối với những người dân có đủ tài chính, xin mượn lời của một người bán: “Hãy mua cây cảnh sớm, đừng đợi trưa 30 Tết! Cả một năm làm việc mới có một lần Tết, vậy thì đừng ngại mà bỏ ra số tiền nhỉnh hơn “ngày 30” một chút để mua được cây cảnh ưng ý”.

Còn đối với người bán cây, cũng không nên lãng phí công sức, tài sản của mình, hết hàng sớm đồng nghĩa với được về nhà sớm. Ngoài kia còn rất nhiều người không đủ khả năng để mua cái “không khí Tết” dù với giá của “ngày 30”…, thay vì bỏ đi chúng ta hoàn toàn có thể cho lại những người còn khó khăn để ai cũng có Tết./.

Theo CTV Tuấn Anh (Vov.vn)

Nổi bật