Theo BS Khanh, sau khỏi COVID-19 sẽ có người mệt mỏi vì cũng giống như nhiễm các virus khác. Có khi vài ngày, có khi vài tuần, cũng có khi kéo dài hàng tháng.
Nếu sau khi khỏi COVID-19, người không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường thì không phải đi khám. Bởi sau một lần bệnh dài ngày hoặc hậu sinh đẻ thì xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài, ho, sốt, đau nhức người, rụng tóc... rất thường gặp, nhưng không nghiêm trọng. Vì cơ thể sẽ tự điều chỉnh và phục hồi về mức bình thường.
Những người hậu COVID-19 khi khó thở cần bình tĩnh và kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Trường hợp bị mất mùi nên tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh... Người bị rụng tóc cần bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, nhất là kẽm, B Complex; nếu mệt mỏi nên cố gắng ngủ đủ giấc, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý…
“Sau khỏi COVID-19 mà mệt mỏi thì cần nghỉ ngơi, không gắng sức mà từ từ, ngủ đủ giấc, tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt, ngoài ra có thể thư giãn bằng cách thiền, tập yoga,… Nếu càng ngày càng mệt và kéo dài không bớt thì nên đi khám bệnh”, BS Khanh khuyến cáo.
Những nguyên nhân gây ra tình trạng mệt mỏi hậu Covid có thể là do cơ thể tiếp tục phản ứng với virus SARS-CoV-2 dù tình trạng nhiễm trùng đã thuyên giảm. Hoặc cũng có thể do ảnh hưởng của Covid-19 thể nặng. Mệt mỏi do viêm phổi có thể mất tới 6 tháng để giải quyết.
Để làm giảm tình trạng mệt mỏi hậu Covid bạn có thể áp dụng những cách đơn giản này:
1. Nhận ra rằng cảm giác mệt mỏi là có thật và đối xử tốt với bản thân. Giải thích cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của bạn về tác động của sự mệt mỏi. Vì mệt mỏi là vô hình nên đôi khi chưa được hiểu đúng. Nếu chưa từng trải qua, người khác khó có thể hiểu được tác động của sự mệt mỏi và sự suy nhược của nó.
2. Ngủ ngon. Cảm giác mệt mỏi sẽ tồi tệ hơn nếu giấc ngủ của bạn cũng bị xáo trộn. Cố gắng thực hiện chu trình ngủ và cải thiện thói quen ngủ của bạn.
3. Thử các kỹ thuật thư giãn. Những kỹ thuật này có thể giúp giảm mệt mỏi vì chúng thúc đẩy một giấc ngủ ngon và có thể giúp giảm căng thẳng. Cân nhắc thử các kỹ thuật như thiền, trị liệu bằng hương thơm, yoga, thái cực quyền và các hoạt động khác mà bạn cảm thấy thư giãn, chẳng hạn như đọc sách hoặc tắm bồn.
4. Lập kế hoạch, ưu tiên và ủy quyền.
- Lập kế hoạch. Lập kế hoạch trước mỗi ngày để bạn có thể làm những công việc cần thiết và cân nhắc những việc có thể giao cho người khác. Xây dựng một thói quen đều đặn và cố gắng tránh bị quá tải để rồi kiệt sức vào ngày hôm sau.
- Ưu tiên. Bạn cũng có thể quyết định những hoạt động nào bạn đang làm là quan trọng nhất. Nếu đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, hãy làm nó khi bạn có nhiều năng lượng nhất. Nếu chúng không quan trọng nhưng ‘phải làm’ thì bạn có thể nhờ người khác làm không?
- Ủy quyền. Hãy nghĩ về những việc mà bạn không nhất thiết phải làm mà có thể ‘ủy quyền’, chẳng hạn như thay vì trực tiếp đi siêu thị, bạn có thể đặt hàng online. Bạn cũng có thể sơ chế thức ăn vào cuối tuần trước khi bước vào 1 tuần làm việc bận rộn. Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng bạn đang làm một số việc thú vị, những hoạt động như vậy có thể giúp bạn tràn đầy năng lượng.
5. Ghi nhật ký hoạt động. Trong một hoặc hai tuần, hãy ghi lại những gì bạn đã làm trong ngày và cảm giác của bạn sau mỗi hoạt động. Các hoạt động này có thể là hoạt động thể chất, xã hội, nhận thức (suy nghĩ) hoặc tình cảm, và một số hoạt động có thể mệt mỏi hơn những hoạt động khác. Nhật ký có thể giúp bạn phát hiện các kiểu hoạt động không có ích, chẳng hạn như ngủ nướng, thức đêm làm việc để rồi ngày hôm sau kiệt sức.
6. Luôn năng động. Mức năng lượng cũng được hỗ trợ bằng cách duy trì sự năng động. Cơ thể ì ạch càng khiến bạn mệt mỏi hơn. Khi số lượng hoạt động bạn đang thực hiện đã ổn định, hãy cố gắng tăng thời lượng hoạt động một cách từ từ và nhẹ nhàng.
7. Ăn uống lành mạnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể hữu ích, giúp bạn hồi phục nhanh sau COVID.
PN (Nguoiduatin.vn)