Các chuyên gia cho biết, việc theo dõi chỉ số SpO2 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với con người. Đây là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh 4 dấu hiệu khác là mạch, nhiệt độ, nhịp thở và huyết áp.
Đối với bất cứ F0 nào, việc chú ý chỉ số SpO2 cũng là điều bắt buộc. Việc đo SpO2 giúp sớm phát hiện ra tình trạng thiếu hụt oxy trong máu nhằm cấp cứu kịp thời các trường hợp bệnh nhân trở nặng trước khi có dấu hiệu lâm sàng như tím tái.
Đã ghi nhận nhiều F0 triệu chứng nhẹ, tuy nhiên không chú ý tới chỉ số SpO2, dẫn tới tình trạng thiếu hụt oxy âm thầm. Khi quỵ thì rất nguy hiểm tới tính mạng.
"Có những bệnh nhân mất cảm giác khó thở, dù nồng độ oxy máu giảm nhưng không cảm nhận được, chỉ đến khi mệt lả, ngất xỉu mới phát hiện nguy cơ này. Có những bệnh nhân Covid-19 đang khỏe mạnh, không biểu hiện triệu chứng bỗng dưng mệt lả, ngất xỉu, da tím tái... do nồng độ oxy máu bỗng dưng tụt xuống 60-70%, suy hô hấp" - Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lưu ý.
"Với việc điều trị F0 trong cộng đồng như hiện nay, theo dõi F0 nhẹ ít triệu chứng tại nhà, tốt nhất là tất cả các bệnh nhân cần được theo dõi SpO2. Vì nếu không theo dõi chủ động, đến khi bệnh nhân thấy mệt lả, thậm chí ngất xỉu sẽ là khá muộn"- bác sĩ Cấp khuyến cáo.
Bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh - Phòng khám Gia đình TP HCM cho biết, kể cả khi không thuộc nhóm có nguy cơ trở nặng vì Covid-19 thì các F0 điều trị tại nhà vẫn nên thực hiện theo dõi SpO2 liên tục trong vòng từ 7-10 ngày.
Theo Bộ Y tế, nếu chỉ số SpO2 dưới 95% thì các F0 cần liên hệ với cơ sở Y tế để được nhập viện điều trị. Tuy nhiên, với bệnh nhân có bệnh lý như thuyên tắc phổi mãn tính (COPD) thì chỉ số SpO2 nền của họ luôn thấp (SpO2 khoảng 93% kể cả khi khỏe mạnh). Vì vậy, bác sĩ Thịnh đặc biệt khuyến cáo, khi chỉ số SpO2 từ 93% trở xuống hoặc giảm 3% so với SpO2 nền thì người bệnh bắt buộc phải tới bệnh viện để điều trị.
Trong trường hợp bất khả kháng và bệnh nhân bị sụt SpO2 nhưng chưa thể nhập viện điều trị thì gia đình cũng cần liên hệ với bác sĩ để được kê đơn thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà từ xa trong lúc chờ được sắp xếp nhập viện.
Theo Quyết định số 4038/QĐ-BYT về "Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà" do Bộ Y tế ban hành, khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo cáo ngay với Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu,… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời:
1) Khó thở.
2) Nhịp thở tăng:
3) SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo).
4) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
5) HA thấp: HATĐ < 90 mmHg, HATT < 60 mmHg.
6) Đau tức ngực thường xuyên.
7) Thay đổi ý thức.
8) Tím-nhợt môi, đầu móng tay, móng chân, da xanh...
9) Không thể uống, bú, nôn.
10) Đối với trẻ em: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, xuất huyết...
11) Bất kỳ tình trạng nào cảm thấy không ổn, lo lắng
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, có những người nồng độ oxy máu thấp nhưng người bệnh không có bất cứ triệu chứng nào. Vì vậy F0 điều trị tại nhà mỗi ngày cần chủ động đo 1-2 lần theo hướng dẫn để phát hiện nguy cơ này.
PN (Nguoiduatin.vn)