Ngày 12/4, trao đổi trên Sức Khỏe & Đời Sống, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà- Trưởng Khoa phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công một ca mất thị lực sau khi tiêm filler (chất làm đầy) nâng mũi.
"Đây là một trong những ca bệnh hiếm hoi được điều trị kịp thời, thành công lấy lại thị lực cho bệnh nhân" - PGS.TS Nguyễn Hồng Hà nói.
Bệnh nhân B. (47 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, bà tiêm filler nâng mũi tại một spa của người quen ở địa phương. Vì thân quen nên bà tin tưởng vào lời giới thiệu của spa này. Tuy nhiên sau tiêm filler khoảng 10-15 phút, khi đang được người của spa nắn sống mũi, bà B. bắt đầu có biểu hiện nóng đầu, hoa mắt, chóng mặt, xuất hiện co giật.
Ngay sau đó, người của spa này tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler đã tiêm cho bà B. Sau 4 tiếng từ khi tiêm filler, bà B. được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà kể lại, đây là ca cấp cứu hết sức nghiêm trọng vì bệnh nhân mất thị lực toàn bộ một bên mắt trái và có dấu hiệu đau đầu, co giật, biểu hiện toàn thân nặng nề, được chẩn đoán tắc động mạch não và các mạch cấp máu cho vùng mũi, trán..., ngay lập tức Bệnh viện đã huy động đội ngũ bác sĩ tạo hình, các bác sĩ chuyên chống đột quỵ và nhờ các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương sang hỗ trợ điều trị, chuẩn bị phương tiện để hồi sức cấp cứu thông mạch sớm nhất cho người bệnh.
Sau 10 ngày điều trị, chăm sóc tích cực, đến thời điểm này bệnh nhân B. đã tỉnh táo, giao tiếp được, thi thoảng có cơn đau đầu. Mắt trái từ mất thị giác hoàn toàn đã dần cảm nhận được ánh sáng khi chiếu đèn.
"Đây là dấu hiệu rất đáng mừng vì trên thế giới mỗi năm có cả trăm ca bệnh gặp biến chứng mù mắt sau khi tiêm filler nâng mũi, những ca thành công nhìn lại được ánh sáng rất hãn hữu. Tuy nhiên, bệnh nhân cần có thời gian theo dõi thêm để biết được mức độ phục hồi mắt"- PGS.TS Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.
Chia sẻ với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho hay, mù mắt là một trong những biến chứng nặng nhất của tiêm filler. Việc tiêm các chất làm đầy phải được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, có chuyên môn phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Họ biết được vị trí giải phẫu của các mạch máu, của hệ thần kinh nên khi tiêm sẽ tránh được việc làm tổn thương các thành phần quan trọng này.
Với nhân viên các spa, quán cắt tóc, cơ sở thẩm mỹ chui - những người không có chuyên môn, kinh nghiệm sẽ rất dễ tiêm chất filler vào các mạch máu, có thể đi thẳng vào trong não hoặc đi lên động mạch mắt. Nặng nhất, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng nhồi máu não dẫn đến hôn mê, liệt tay chân hoặc gặp biến chứng không kém phần nguy hiểm khác là tắc động mạch mắt, gây mù vĩnh viễn.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân có nhu cầu tiêm filler làm đẹp nên tới cơ sở chuyên khoa, được Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép; người thực hiện tiêm phải là bác sĩ, được đào tạo về tạo hình thẩm mỹ. Các chất làm đầy tiêm vào cơ thể cũng cần đảm bảo đạt chuẩn chất lượng; không nên mua hàng trôi nổi về tự tiêm.
Trường hợp không may xảy ra tai biến sau tiêm filler, cần ngay lập tức đến cơ sở y tế có đầy đủ các chuyên khoa để triển khai cấp cứu đa chuyên khoa và hồi sức trong thời gian nhanh nhất có thể. Nếu được cấp cứu sớm, bệnh nhân sẽ được tăng thêm hy vọng hồi phục.
PN (Nguoiduatin.vn)