Khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) vừa phẫu thuật cấp cứu một nữ bệnh nhân (1993) do tiêm filler vùng mông.
Theo đó, để làm đẹp vòng 3, cô gái mua filler từ Việt Nam và tiêm ở Campuchia. Sau 10 ngày tiêm, cô nhập viện trong tình trạng áp-xe hai bên mông. Siêu âm cho thấy lớp mô dưới da có cấu trúc echo hỗn hợp, giới hạn không rõ, lan rộng ra mặt trước đùi, có dấu hiệu tăng sinh mạch máu xung quanh.
Bác sĩ nhận định cô gái bị nhiễm trùng hoại tử hết phần mô mỡ dưới da. Ê-kip phẫu thuật rạch và nặn ra 1 lít dịch lẫn mủ. Sau khi nạo hết phần nhiễm trùng, vòng 3 cũng biến dạng.
“Chúng tôi cảnh báo liên tục về việc tiêm chất làm đầy (filler) trôi nổi có thể gây biến chứng nhưng thực tế không cải thiện nhiều. Việc điều trị phức tạp và mất thời gian, không phải chỉ rạch mủ ra là xong, chưa kể ảnh hưởng nặng nề về thẩm mỹ”, một bác sĩ khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương nói.
Không riêng Bệnh viện Trưng Vương mà Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng là nơi thường xuyên phải khắc phục hậu quả cho người bệnh từ các spa, thẩm mỹ viện.
Bệnh nhân nhập viện khi bị tắc mạch, hoại tử tai (sau tiêm filler tạo dáng tai Phật), hoại tử mũi (tiêm filler nâng mũi)… Nguyên nhân chủ yếu do chất lượng filler và kỹ thuật tiêm không đúng gây tắc mạch.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Nguyên Ánh Tú, Phó khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu nhận định, trong số các loại chất làm đầy hiện có trên thị trường, sản phẩm chứa axit hyaluronic được sử dụng nhiều nhất. Sản phẩm này có tính tương hợp với da, khả năng tạo hình tốt, có thể tan theo thời gian nên không tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể.
“Axit hyaluronic là loại chất làm đầy duy nhất có “thuốc giải” hyaluronidase để sửa chữa những kết quả không mong muốn và biến chứng khi tiêm chất làm đầy”, bác sĩ Ánh Tú cho biết.
Tuy vậy, Bệnh viện Da liễu thường tiếp nhận bệnh nhân bị biến chứng do tiêm axit hyaluronic không rõ nguồn gốc, dù sử dụng "thuốc giải" cũng không thể làm tiêu đi khối filler đã tiêm". Để chứng minh, bác sĩ Tú đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ.
Chị sử dụng 2 loại filler trên nhãn mác có cùng nồng độ axit hyaluronic. Trong đó, một loại có nguồn gốc xuất xứ và được các bác sĩ thẩm mỹ thường sử dụng; một loại là hàng xách tay, không xuất xứ rõ ràng.
Mỗi loại filler lấy ra 0,2ml, sau đó nhỏ hyaluronidase vào. Kết quả cho thấy, filler có nguồn gốc rõ ràng, được hòa tan nhanh chóng. Đây cũng là cách các bác sĩ giải cứu làm tan đi khối filler đã tiêm cho bệnh nhân.
Loại filler xách tay chỉ hòa tan một phần và còn lại khối đặc. Sau 3 phút, chúng cũng không tan hoàn toàn.
“Chúng tôi cho rằng, trong loại filler xách tay đang thí nghiệm có thành phần khác ngoài axit hyaluronic. Bên cạnh tác hại khi tiêm filler không đạt chuẩn, trôi nổi trên thị trường, chúng ta cũng không thể sửa chữa biến chứng cho bệnh nhân bằng thuốc giải hyaluronidase”, bác sĩ Tú nói thêm.
Trong nhiều năm trở lại đây, filler được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu, thẩm mỹ khi giúp làm đẹp, sửa khiếm khuyết hiệu quả, không mất nhiều thời gian.
Theo quy định của Bộ Y tế, người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ được đào tạo bài bản về tiêm chất làm đầy, cơ sở thực hiện phải được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu tiêm sai kỹ thuật, filler có thể bị tiêm vào lòng mạch, gây thuyên tắc, thậm chí mù mắt.
Filler sử dụng phải có nguồn gốc xuất xứ và được cơ quan chức năng phê duyệt. Các sản phẩm trôi nổi có thể ngấm vào mô, gây viêm tấy, kích ứng, nhiễm khuẩn, tạo viêm, xơ, loét... Tình trạng này có thể xuất hiện sớm hoặc muộn tùy từng bệnh nhân.
Theo Linh Giao (VietNamNet)