Hậu quả, sau một năm dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, bệnh nhân đã phải vào Bệnh viện 198, Bộ Công an để cấp cứu trong tình trạng suy thận mạn.
Hơn một tuần nằm điều trị tại Bệnh viện 198, Bộ Công an, nước da của bà N.T.K.Y, 53 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã hồng hào trở lại. Nghĩ lại khoảnh khắc bên bờ vực sinh tử, bà vẫn chưa hết bàng hoàng. Phát hiện sỏi cách đây 5 năm, bà Y đã vào viện điều trị một lần, các bác sĩ khuyến cáo bà nên theo dõi và tái khám thường xuyên.
Tuy nhiên, bà Y không nghe lời khuyên của bác sĩ mà chuyển sang dùng thuốc đông y do người quen giới thiệu. Uống được một năm thì bà phải nhập viện cấp cứu do tức ngực, khó thở. "Bác sĩ cho đi kiểm tra, hiện tại thận kém, khuyên là nên tán sỏi ngoài da, để giữ quả thận ấy và để đảm bảo cho sức khỏe tăng lên."
Sau khi nhập viện, được các bác sĩ chăm sóc, điều trị tận tình, tỉ mỉ, sức khỏe của bà Y đã dần hồi phục. Đến bây giờ bà mới thấy thấm thía tác hại của việc không tuân thủ chỉ định của bác sĩ mà tự ý điều trị bằng thuốc đông y không rõ nguồn gốc: "Những ai mà bị như vậy nên tránh xa không nên uống thuốc lá linh tinh. Do mình không hiểu biết, thuốc lá đó hay có thuốc ẩm, giữ cho nó không bị mốc. Nên rút kinh nghiệm, những người bị sỏi nên vào bệnh viện để chữa. Từ nay trở đi là thôi, cạch đến già, sợ lắm rồi. Có cơn đau khó chịu là mình phải vào ngay viện", bà Y nói.
Là người trực tiếp tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân y, bác sĩ Mai Tiến Dũng, Phó trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện 198, Bộ Công an, cảm thấy rất buồn và đáng tiếc cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân can thiệp theo yêu cầu của bác sĩ ngay khi được chỉ định thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Bác sĩ Dũng cho biết: "Khi đã có chỉ định can thiệp thì bệnh nhân không nên dùng thuốc đông y nhưng bệnh nhân vẫn sử dụng thuốc đông y làm cho quá trình suy thận trầm trọng hơn.
Bệnh nhân tự ý đến những nơi có thể điều trị đông y bốc thuốc và tự uống đến khi không chịu nổi nữa, có những biểu hiện mệt mỏi, triệu chứng suy thận mới đến với khoa ngoại tiết niệu chúng tôi. Mặc dù bị suy thận mạn, mặc dù là biến chứng nặng nhưng công việc của chúng tôi vẫn là cứu hai quả thận ở mức tối đa có thể, để hy vọng trong tương lai cái thận có thể phục hồi."
Cũng theo bác sĩ Mai Tiến Dũng, đây không phải là trường hợp hy hữu. Có rất nhiều bệnh nhân bị sỏi thận có tâm lý e ngại bệnh viện, sợ mổ, sợ phải can thiệp ngoại khoa, sợ tốn kém… Vì vậy, mà chần chừ không điều trị ngay, thậm chí bệnh nhân không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ mà tự ý dùng thuốc đông y để điều trị bệnh. Việc sử dụng thuốc đông y không đảm bảo chất lượng hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Đây là một tình trạng đáng báo động hiện nay: "Việc dùng thuốc đông y không đúng mục đích, chỉ định, không rõ nguồn gốc xuất xứ có rất nhiều tiềm ẩn, ví dụ thuốc đông y sao tẩm, bảo quản bằng những chất vượt quá mức chỉ tiêu của Bộ Y tế cho phép. Trong thuốc đông y cũng có những thang thuốc có cả những thành phần của thuốc tây y cho mau đỡ triệu chứng. Nhưng có một điều bất thường đó là trong những thang thuốc đông y có pha thuốc tây y, có những lúc nồng độ thuốc tây y rất cao, có những lúc nồng độ thuốc tây y rất thấp. Do đó nồng độ thuốc không được kiểm soát, lúc thì quá liều, lúc thì lại không đủ liều để điều trị. Vì thế cũng tiềm ẩn nguy cơ suy thận và ảnh hưởng đến chức năng gan", bs Mai Tiến Dũng cho biết.
Việc tự ý sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như làm chậm quá trình cần can thiệp, dễ xảy ra biến chứng với hệ tiết niệu do sỏi gây bít tắc, gây suy đa cơ quan do chất lượng thuốc nam. Chính vì thế các chuyên gia về thận tiết niệu khuyến cáo để tầm soát và phòng ngừa bệnh, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1-2 lần/năm. Khi có những dấu hiệu bệnh, người bệnh không nên tự điều trị, không tự uống thuốc nam, mà nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị phù hợp.
Theo Anh Đào (Phụ Nữ Việt Nam)