Bệnh nhân được đưa đến Trung tâm cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng đau đớn, khuôn mặt phù nề, chảy dịch nước, biến dạng. Vùng da mặt của bệnh nhân dính bẩn két của lá cây, hai bàn tay và cổ tay nhiều vết phồng rộp, chảy dịch. Các bác sĩ ngay lập tức giảm đau, chống sốc, vệ sinh băng bỏng vùng tổn thương.
Chiều 12/1, trao đổi với VietNamNet, đại diện bệnh viện cho biết ngày 11/1, bé bị bỏng khắp mặt, hai cổ tay lan xuống bàn tay nhưng không đến bệnh viện ngay mà đắp lá chữa bỏng ở nhà. Hôm nay, mắt bệnh nhân sưng nề không mở được mắt, đau đớn gia đình đưa đến viện cấp cứu.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), Bệnh viện Nhi Trung ương, không ít trường hợp bệnh nhi bị bỏng nhưng tự điều trị và sử dụng sai thuốc.
Nhiều bệnh nhân bỏng đắp thuốc nam, lá cây, khi có diễn biến nặng như sốt cao, thở nhanh nông, mạch nhanh, huyết áp giảm, bụng chướng căng, vô niệu (không tiểu được), tại chỗ vết bỏng tiết dịch nhiều, mùi hôi, thậm chí vết thương đe dọa chuyển hoại tử, lúc đó mới chuyển đến cơ sở y tế điều trị.
Những việc không nên làm khi sơ cứu bỏng
- Sử dụng nước đá lạnh, nhiệt độ thấp khiến thân nhiệt bị giảm dẫn đến tình trạng mạch máu bị co lại, làm vết bỏng nghiêm trọng hơn.
- Bôi những loại truyền miệng như nước mắm, củ chuối, đắp các loại lá... là cách làm phản khoa học, chỉ khiến vết bỏng nghiêm trọng, thậm chí nhiễm trùng.
- Bôi kem đánh răng lên chỗ bỏng là quan niệm sai lầm, trong kem đánh răng có chứa một lượng ít base, khi thoa lên vùng bỏng chỉ khiến bệnh nhân đau đớn hơn.
- Làm vỡ các nốt phỏng: Không nên làm vì nếu vỡ nốt phỏng dễ bị nhiễm trùng.
Theo Võ Thu (VietNamNet)