Mới đây, trong lớp "Sơ cứu cộng đồng" được tổ chức Wellbeing (Tổ chức giáo dục sức khỏe tại khu vực Đông Nam Á), tổ chức mới chia sẻ trường hợp một người trẻ bị đột quỵ. Theo đó, chị N.H.N (HN) chia sẻ về trường hợp của chính chồng mình. Chỉ vì không rõ sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân đột quỵ, suýt chút nữa, gia đình chị đã phải nhận cái kết đau thương.
"Cả nhà vừa mới ăn sáng xong, đứng dậy chuẩn bị đi làm thì đột nhiên chồng em ngồi khuỵu xuống ghế, tay buông thõng và không nói được gì. Em sợ quá cuống hết cả lên không biết làm gì cả. Mẹ chồng em thấy anh ấy như thế bảo là có khi trúng gió độc, đánh gió bằng rượu gừng với vòng bạc với chích máu đầu ngón tay. Nhưng cả tiếng mà anh ấy vẫn không có tiến triển gì, em sốt ruột quá nên gọi xe đưa chồng em đi Bạch Mai luôn.
Vào cấp cứu bác sĩ khám, chụp chiếu một lúc thì báo em là chồng em bị đột quỵ do vỡ mạch máu não. Chỉ cần đưa đi viện muộn chút nữa thôi thì cơ hội hồi phục của chồng em là rất thấp. Giờ phải theo dõi một tuần mới biết có khả năng trở về bình thường không. Nghe xong mà em bủn rủn hết cả người chỉ biết khóc thôi. Giờ anh ấy mà nằm một chỗ thì thực sự em chẳng biết phải làm sao nữa.
Em luôn tưởng rằng người ta bị đột quỵ do hay tắm đêm hoặc là cao huyết áp. Mà chỉ có những người ngoài 50 tuổi mới bị. Ai ngờ một người đang khỏe mạnh như anh ấy lại mắc căn bệnh này".
Vậy, nhận diện dấu hiệu của đột quỵ như thế nào?
Theo Tổ chức Wellbeing, bạn có thể nhận diện dấu hiệu của đột quỵ thông qua xác định theo quy tắc FAST.
1. Face: Gương mặt mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng: để bệnh nhân ngồi ngay ngắn để quan sát hoặc yêu cầu bệnh nhân cười.
2. Arm: Kiểm tra tình trạng hiện yếu hoặc liệt tay, chân bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ đều hai tay, hai chân lên, nếu bên nào yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có liệt.
3. Speech: Ngôn ngữ bất thường: yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản. Nếu không lưu loát, giọng "méo" hoặc không nói được đó là dấu hiệu bất thường.
4. Time: Nếu cùng lúc có 3 dấu hiệu này cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy khẩn trương, nhanh nhất đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ.
Một số cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ
Hà Nội
1. Bệnh viện Bạch Mai
2. Bệnh viện E
3. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
4. Bệnh viện Quân Y 103
5. Bệnh viện Quân đội 108
6. Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn
7. Bệnh viện Thanh Nhàn
TP. Hồ Chí Minh
1. Bệnh viện Chợ Rẫy
2. Bệnh viện Y Dược TP Hồ Chí Minh
3. Bệnh viện Quân Y 175
4. Bệnh viện Trưng Vương
5. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
6. Bệnh viện Nhân Dân 115
Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh
Sơ cứu nhanh khi bị đột quỵ, trong lúc đợi xe cấp cứu đến
- Gọi xe cấp cứu 115 càng nhanh càng tốt.
- Trong trường hợp đội ngũ cấp cứu chưa thể tiếp cận được thì cần chuyển an toàn người bệnh đến cơ sở y tế có điều kiện xử trí đột quỵ. Chú ý di chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng, tránh va đập, rung lắc mạnh. Không để bệnh nhân tự di chuyển vì có thể ngã.
- Ghi chú lại thời điểm người bệnh khởi phát dấu hiệu bất thường.
- Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, đầu kê cao 30-45 độ, trang phục nếu mặc quá nhiều thì cần cởi bớt, đảm bảo mặc quần áo thoáng.
- Nếu người bệnh nôn thì nhanh chóng lau sạch chất nôn hoặc đờm dãi, thức ăn trong miệng để thở tốt, tránh hít sặc vào phổi.
- Ghi chú những loại thuốc mà bệnh nhân đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.
- Luôn phải cho bệnh nhân nhận được oxy để nuôi dưỡng cơ thể, tránh tình trạng chết não.
- Nghiêm cấm cạo gió, trích máu, tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà bệnh nhân thường uống) hay để mất thời gian chờ xem người bệnh có khỏe lại hay không.
Theo Tiểu Nguyễn (Trí Thức Trẻ)