Nhiều người trẻ mắc
Trường hợp của bệnh nhân V.T.T.N (23 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) may mắn được người thân đưa vào bệnh viện sớm nên được cấp cứu đột quỵ thành công.
Theo người thân của chị N, sức khỏe của chị bình thường, không có gì bất thường nhưng đột nhiên cảm thấy chóng mặt, nôn ói kèm các triệu chứng như tê vùng mặt bên trái, tay chân bên trái khó điều khiển, di chuyển không được và nói ngọn và méo miệng.
Người nhà nhanh chóng đưa chị vào bệnh viện cấp cứu. Tại Bệnh viện, bác sĩ nghi ngờ đột quỵ nhanh chóng cho chụp MRI não và kết quả trên hình ảnh phim chụp chị N bị nhồi máu tiểu não và cuống não.
Ngay lập tức, bác sĩ cho can thiệp và tiêm thuốc tiêu sợi huyết, sau 24 h điều trị tích cực, chị N có nhiều chuyển biến. Các bác sĩ cho rằng, trường hợp của chị N may mắn đến bệnh viện sớm và được can thiệp trong thời gian vàng, ít để lại di chứng hơn.
Trường hợp của anh Đ.V.T (sinh năm 1978, Cầu Giấy, Hà Nội) được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Theo người thân anh T vẫn đi làm bình thường và cách đó vài ngày có kêu mất ngủ, hơi đau đầu. Buổi sáng vợ anh T đi làm trước, tới buổi chiều về thấy anh nằm gục trước phòng khách.
Bác sĩ cho biết anh T vào viện quá muộn không thể tiêm thuốc tiêu sợi huyết và chỉ điều trị tích cực, sau 1 tuần nằm viện anh qua đời.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột qụy. Trước kia, đột quỵ chủ yếu xảy ra ở người già thì đến nay đột quỵ ở người dưới 45 tuổi ngày càng tăng lên. Số bệnh nhân này chiếm tới 30 % ca đột quỵ.
Hầu hết đột quỵ ở người trẻ thường khó can thiệp hơn người già do bệnh nhân chủ quan đến bệnh viện đã qua giờ vàng. Ở người trẻ, đột quỵ chủ yếu thường gặp do chảy máu não nhiều hơn nhồi máu não. Chính vì vậy, tỷ lệ đột quỵ và tử vong ở người trẻ cao hơn người già.
Theo PGS Nguyễn Hoài Nam – Phó Chủ Tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP Hồ Chí Minh, giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đột quỵ là bệnh lý không thể tránh khỏi trong cuộc sống hiện đại.
Đột quỵ có hai dạng đột quỵ do nhồi máu não và chảy máu não. Đây được xem là một trong những cấp cứu y khoa khẩn cấp. Nếu bệnh nhân được cấp cứu trong 4 giờ đầu khi xuất hiện các dấu hiệu như: nói ngọng, liệt yếu nửa người, cười méo miệng, đau đầu dữ đội, liệt 1 bên tay, chân...
Trường hợp này bệnh nhân được sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, thì khả năng cứu sống rất cao cũng như hạn chế được các di chứng nặng nề. Còn sau thời gian vàng thì nguy cơ tử vong cao, tỷ lệ di chứng tỷ lệ thuận với tế bào não chết đi.
Những ai có nguy cơ đột quỵ
PGS Nam cho biết, những người sau có nguy cơ đột quỵ cao cần chú ý:
Thứ nhất: Những người có gia đình người thân mắc đột quỵ. Những gia đình này cần chú ý hơn vì có thể liên quan tới rối loạn lipit di truyền và hội chứng đột quỵ.
Thứ hai: Những người bị cao huyết áp vẫn được coi là cửa ngõ dẫn tới đột quỵ. Huyết áp tăng có thể gây ra bệnh về mạch máu, xơ vữa mạch máu. Bệnh có thể dẫn đến sự phát triển của những mạch máu khiếm khuyết, hình dạng bất thường. Chúng có thể bị vỡ nếu nó bị tác động bởi sự thay đổi huyết áp lớn.
Thứ ba: Những người mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thường diễn tiến âm thầm, dễ dẫn đến các biến chứng về tim mạch, tổn thương thần kinh, mắt, thận... Người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với người bình thường.
Thứ tư: Mỡ trong máu cao, các bệnh nhân có mỡ máu cao hình thành các lớp mỡ bám vào thành mạch và gây xơ cứng mạch máu, tăng nguy cơ máu bị đóng cục, cản trở việc cung cấp máu lên não.
Thứ năm: Người bị bệnh tim mạch như: rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, suy tim... thường có nguy cơ đột quỵ rất cao so với người bình thường.
Thứ sáu: Những người hút thuốc lá, hút thuốc lá dưới tác hại của các hóa chất trong thuốc lá gây ra tình trạng viêm trong mạch máu, có thể hình thành cục máu đông, tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo Tiểu Nhã (Soha/Trí Thức Trẻ)