Gần đây trên Zhihu - mạng xã hội hỏi - đáp lớn nhất Trung Quốc, xuất hiện câu hỏi: "Khi nào bạn phát hiện bố mẹ mình đã già?". Câu trả lời được nhiều người đồng cảm nhất là: "Khi bố mẹ ngồi một chỗ và nhìn thái độ của con cái để làm theo".
"Chúng ta thường lấy sự bận rộn để bao biện cho sự vô tâm của bản thân. Nói về việc bận rộn, tôi vẫn phải gặp gỡ bạn bè mỗi tuần, vẫn dành thời gian để đi du lịch và thực hiện những sở thích cá nhân. Bận rộn là lý do chính đáng tôi nói với bố mẹ khi không thăm nom được ông bà. Và họ luôn tin điều đó là thật. Lúc đó tôi biết họ đã già", một người khác kể lại câu chuyện của mình.
Cũng từ câu hỏi này, câu chuyện xảy ra 5 năm trước của gia đình ông Cố Toàn Bình sống tại thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô được nhiều người nhắc lại như một bài học về chữ hiếu.
Ông bà Cố Toàn Bình và Lữ Ái Bình sống dựa vào vài mẫu ruộng tại quê, chăm chỉ làm ăn và nuôi lớn con trai duy nhất tên Cố Âm.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Cố Âm chọn ở lại Trùng Khánh và mở một công ty nhiếp ảnh riêng. Sau đó anh được nhận vào một hãng thông tấn lớn của nước ngoài tại Trung Quốc, có nhiều cơ hội đi công tác nước ngoài. Khi sự nghiệp có chút khởi sắc, Cố Âm luôn tâm niệm phải làm việc thật chăm chỉ để chăm lo cuộc sống về già của bố mẹ. "Họ đã cả đời vất vả vì tôi rồi", anh nói.
Thế nhưng, một cuộc kiểm tra sức khỏe sau đó đã khiến gia đình này rơi vào khủng hoảng. Cuối năm 2013, giấy khám bệnh của ông Cố Toàn Bình có viết: "Ung thư dạ dày giai đoạn cuối". Nhìn thấy dòng chữ tô đậm, ba người trong gia đình đều ngã quỵ.
Dù sau đó, 4/5 dạ dày của ông Cố được cắt bỏ nhưng vẫn không kìm hãm được sự phát triển của tế bào ung thư. Sau nhiều đợt hóa trị, ông giảm từ 65 kg xuống 40 kg. Chạy đôn đáo chăm sóc chồng, bà Lữ một lần bị ngã, gãy hai xương đùi, phải chống nạng mới đi lại được.
Hơn 40 tuổi, Cố Âm lần đầu cảm nhận được nỗi đau sắp mất người thân. Anh sợ một ngày nào đó không còn được nhìn thấy nụ cười của bố. "Trước đây tôi nghĩ bố mẹ khỏe mạnh, bản thân không phải quá lo lắng gì cho họ. Nhưng sau đó tôi lại sợ bố chết, một cảm giác không thở nổi", anh chia sẻ. Nhìn thấy ánh mắt trống rỗng của người cha trên giường bệnh, Cố Âm chỉ biết trốn vào nơi không người, lén lau nước mắt.
Thời điểm đó Cố Âm đang sống tại Australia. Trước đây, mỗi năm anh chỉ về nhà 1-2 lần nhưng từ khi bố đổ bệnh, biết không còn nhiều thời gian, anh quyết định đưa bố mẹ đi du lịch nước ngoài dù ông bà đều đã hơn 70 tuổi.
"Thay vì chờ đợi cái chết đến một cách thụ động, tốt hơn hết là nên đi trải nghiệm thế giới tuyệt vời bên ngoài. Dù bố tôi không may qua đời trên đường đi thì tôi vẫn chấp nhận kết quả này", người con trai chia sẻ và thầm đặt tên là "Chuyến đi cuối cùng". Họ bắt đầu khởi hành ngày 2/11/2015 tại sân bay Trùng Khánh.
Điểm đặt chân đến đầu tiên là thành phố Melbourne- nơi cháu trai ông Cố đang học tập. Lần đầu được ngồi máy bay, người đàn ông 70 tuổi say mê ngắm mây trắng ngoài cửa sổ như một đứa trẻ. Ông cũng mang theo bút và sổ để ghi nhật ký chuyến đi này của mình.
Những ngày đi công viên quốc gia Wilson Point, dù thời tiết xấu nhưng ông Cố luôn mỉm cười. Khi leo núi, thậm chí ông còn kéo theo người vợ với chiếc nạng một bên. "Thật hùng vĩ", ông hét khi leo đến đỉnh.
Chuyến đi cũng mang đến cho cặp vợ chồng này nhiều lần "đầu tiên": Lần đầu tiên đi trực thăng, lần đầu tiên nhìn thấy du thuyền, lần đầu tiên xem phim màn ảnh rộng, lần đầu tiên nhìn thấy cảnh đêm ở nước ngoài...
"Lần đầu tiên đi trực thăng bố cười rất vui. Một lần bố kéo tay tôi bảo có một bí mật. Khi theo ông đến bãi biển, ông vớt một chiếc tảo bẹ bị sóng đánh dạt vào bờ rồi hét lên: ‘Nhìn xem, có giống con rùa Trung Quốc của chúng ta không?’. Rồi ông nhảy. Nhảy một mình chưa đủ, ông còn kéo mẹ vào nhảy cùng", những dòng nhật ký của Cố Âm sau đó viết.
Những ngày sau đó, nhật ký chép: "Ngày 8/12/2015, bố đi đâu đó một mình rồi trở về nhà với một bó hoa trên tay. Ông thì thầm: Khi ta còn trẻ, nhà nghèo không thể tổ chức cho mẹ con một đám cưới tử tế. Giờ mọi thứ tốt hơn rồi, bố sẽ cầu hôn mẹ một lần nữa".
Từ thỉnh cầu của bố, Cố Âm nhanh chóng chuẩn bị trang phục cưới cho bố mẹ. Đó là hai chiếc áo phông màu trắng, phía sau ghi dòng chữ "Đám cưới kim cương 1965-2015".
Trước mặt vợ, ông Cố cầm bó hoa quỳ xuống, xúc động nói: "Con trai đã mang đến cho chúng ta một bất ngờ lớn. Tôi cũng muốn cho bà một bất ngờ. Hôm nay kỷ niệm 50 năm ngày cưới, tôi muốn chính thức cầu hôn bà. Đây là lần đầu tiên tôi nói lời này, bà có thích không?"
Nhìn thấy giọt nước mắt của mẹ, Cố Âm muốn làm một điều đặc biệt hơn nữa để kỷ niệm ngày cưới của họ. Từ "nhảy dù" ngay lập tức hiện ra trong đầu anh, tuy nhiên anh không dám chắc bố sẽ đồng ý.
"Bố có dám nhảy dù không?". Ông Cố nhướn mày rồi dứt khoát: "Giờ chẳng còn việc gì là bố không dám".
Ngay ngày hôm đó, ở độ cao 14.000 feet, hai người lớn tuổi đã sử dụng cách nhảy dù để kỷ niệm đám cưới đặc biệt của mình.
Sau khi thấy bố mẹ hạ cánh an toàn, trái tim của Cố Âm thổn thức. Anh lao đến, ôm chặt lấy họ. Lần đầu tiên trong đời, cậu con trai duy nhất ôm hôn bố mẹ mình.
Những ngày du lịch luôn trôi qua rất nhanh và hành trình đã kết thúc. Ngày 27/1/2016, họ kết thúc chuyến du lịch sau 88 ngày. So với lúc mới bắt đầu, ông Cố trông trẻ trung, năng động hơn rất nhiều và tăng được 5 kg, trong khi bà Lữ tự đi mà không cần phải dùng nạng.
Trong chuyến du lịch rong ruổi khắp Australia, Cố Âm cùng bố mẹ ngắm biển, đếm sao, cùng nhau làm những "việc đầu tiên" mà họ cảm thấy thích thú.
Trở lại Trùng Khánh, tinh thần của ông Cố cải thiện hơn trước rất nhiều. Ông không còn cảm thấy bất lực và sợ hãi về căn bệnh của mình. "Tôi rất vui khi được được trải nghiệm mọi thứ. Nếu còn thở một ngày, tôi sẽ sống hết mình", ông nói.
Chuyến đi chơi tưởng như cuối cùng này lại trở thành hành trình "tái sinh" tinh thần cho ông Cố - một người bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Dù sau đó ông vì bạo bệnh mà mất, nhưng đến giờ, Cố Âm vẫn không quên ngày tháng đồng hành cùng bố mẹ tại Australia.
Trong nhật ký, người con trai này viết:
"Tôi nhớ ngày đó, dưới ánh chiều tà, bóng bố mẹ vươn dài, hiên ngang như thuở họ còn trẻ.
Con người ta, chỉ khi đối mặt với bệnh tật mới hiểu cảm giác hạnh phúc khi vẫn được gọi hai tiếng ‘bố, mẹ". Cuộc sống còn dài. Nhưng thực sự không có nhiều thời gian dành cho bố mẹ. Đừng ‘đợi một thời gian nữa’ trở thành câu cửa miệng khi muốn làm gì đó cho bậc sinh thành, bởi rất dễ phải hối tiếc cả đời.
Khi bố mẹ vẫn còn có thể đi bộ, hãy đi cùng trò chuyện và đưa họ đi khắp thế giới rộng lớn này. Thành công có thể chờ, nhưng cha mẹ thì không. Lớn lên, bạn vẫn nhận ra mình còn cơ hội được làm tròn chữ hiếu thì đó là hạnh phúc lớn nhất đời".
Theo Hải Hiền (VnExpress.net)