Đó là trường hợp của ông Tuấn (45 tuổi, ngụ TP.HCM). Cách đây khoảng 3 tháng, nam bệnh nhân này cảm thấy đau tức ngực. Ông tìm đến bệnh viện (BV) thăm khám, tuy nhiên khi đến nơi thì bất ngờ... hết đau. Chủ quan vì mình cũng là dược sĩ, ông quay trở về nhưng chỉ hai tiếng sau, nạn nhân bất ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim. Khi đó là 1 giờ sáng.
Bác sĩ Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Trưng Vương cho biết khi nhập viện bệnh nhân đã ngưng tim , ngưng thở. 5 bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã kiên trì sốc tim đến 7-8 lần, dùng 100 ống "thuốc hồi dương" (Thuốc trợ tim adrenaline – theo lời bác sĩ) cho bệnh nhân. Điều kỳ diệu xảy ra khi ông Tuấn có lại mạch và huyết áp sau một giờ (thời gian sốc tim hiệu quả thông thường là khoảng 30 phút).
Khi cơn nhồi máu cơ tim được giải quyết thì cũng là lúc các bác sĩ lo tình trạng suy đa cơ quan, tổn thương gan, thận, não cho bệnh nhân. 1 tháng sau điều trị, lọc máu, bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục, ngưng thuốc vận mạch, cai máy thở. Sau 2 tháng bệnh nhân đã tự nói chuyện, sinh hoạt tại giường được. Thời điểm hiện tại, các chức năng tim, phổi đã ổn định.
Bác sĩ Cao Thị Lan Hương, khoa Hồi sức của BV nhớ lại: "Lúc bệnh nhân ngưng tim, ekip điều trị đã cố gắng sốc tim đến 7-8 lần. Trong thời gian điều trị, thú thật có thời điểm chúng tôi cũng hơi nản khi bệnh nhân bị suy đa cơ quan, phù phổi cấp, phải lọc máu đến 11 quả, chi phí đội lên hàng trăm triệu. Nhưng động lực lớn nhất là việc người nhà luôn tin tưởng hoàn toàn vào các bác sĩ. Cứu sống được bệnh nhân này là thành quả của sự phối hợp, kiên trì của nhiều khoa".
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân, khi bị đau tức ngực kéo dài lan ra cổ, mặt, không nên chủ quan, phải vào viện sớm để được thăm khám, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Thanh niên cũng không nên chủ quan, bởi hiện nay bệnh nhồi máu cơ tim đang ngày càng trẻ hóa, nhất là những người có tiền sử hút thuốc nhiều.
*Tên bệnh nhân đã thay đổi
Theo Hoàng Lê (Thời Đại)