Chỉ mới đầu hè, nhưng chúng ta đã phải trải qua những ngày nhiệt độ tăng cao tới 38-43oC. Việt Nam thậm chí còn được dự đoán là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiệt độ nóng kỷ lục trong năm 2019.
Nắng nóng chắc chắn sẽ làm tăng những ca sốc nhiệt, xảy ra khi bạn không thể sử dụng các cơ chế tản nhiệt đủ nhanh để làm mát cơ thể. Ở mức nhẹ, sốc nhiệt chỉ gây ra một vài triệu chứng khó chịu như chuột rút, chóng mặt, buồn nôn. Nhưng ở thể nặng, nạn nhân sốc nhiệt có thể gặp phải tổn thương não, thậm chí hôn mê và tử vong.
Vậy sốc nhiệt xảy ra như thế nào, bạn nên xử lý tình huống đó ra sao và làm thế nào để phòng tránh? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây:
Các mức độ sốc nhiệt: Nặng, trung bình và nhẹ
Sốc nhiệt nặng tới mức nghiêm trọng có thể dẫn đến những tổn thương não, thậm chí tử vong nếu không được điều trị. Nó làm tăng đáng kể thân nhiệt và ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của chúng ta.
Những người bị sốc nhiệt thường bị bối rối, cáu kỉnh, gặp ảo giác và thậm chí có thể hôn mê. Họ đi đứng loạng choạng, run cơ, thở gấp và tim đập nhanh hơn 130 nhịp mỗi phút. Trong một vài khoảnh khắc, thân nhiệt của những người này có thể tăng từ 37 lên đến hơn 40oC.
Tập hợp các triệu chứng có thể khá giống với khi ai đó bị ngộ độc, chẳng hạn như sử dụng cocaine hoặc phản ứng với thuốc aspirin. Nó cũng giống với những bệnh nhân bị nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc đang trong quá trình cai rượu.
Nguyên lý điều trị sốc nhiệt là phải hạ thân nhiệt cho nạn nhân ngay lập tức. Tốt nhất là nên cởi hết quần áo, rồi phun nước ấm lên cơ thể trong khi hướng một chiếc quạt vào người họ. Nhưng tại sao phải là nước ấm chứ không phải nước lạnh?
Về cơ bản, nếu bạn phun nước lạnh vào một người sốc nhiệt, cơ thể anh ta có thể run lên hoặc rùng mình như một cơ chế tự vệ. Phản ứng run này lại sản sinh ra nhiệt, bởi vậy, tốt nhất nên dùng nước ấm để tránh người sốc nhiệt run hoặc rùng mình.
Khi thân nhiệt của nạn nhân hạ xuống đến mức 39oC, quá trình làm mát đã đủ để dừng lại, tránh khiến thân nhiệt tiếp tục hạ và đưa nạn nhân vào một trạng thái ngược lại- hạ nhiệt quá mức.
Bạn nên đưa nạn nhân sốc nhiệt đến bệnh viện để được theo dõi diện giải trong máu, bù nước cho cơ thể, cũng như để tránh các vấn đề khác như rối loạn chức năng nội tạng.
Sốc nhiệt ở thể trung bình, còn gọi là kiệt sức do nắng nóng xảy ra khi lượng nước trong cơ thể bạn giảm xuống, khiến thân nhiệt tăng nhẹ. Mặc dù vậy, khác với sốc nhiệt nghiêm trọng, nhiệt độ cơ thể của người kiệt sức do nắng nóng không tăng quá 40oC.
Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu đựng một số triệu chứng khá khó chịu bao gồm buồn nôn, nôn, chóng mặt, có dấu hiệu mất nước và mệt mỏi.
Kiệt sức vì nóng cũng không ảnh hưởng đến chức năng não và các cơ quan trọng yếu của cơ thể. Nạn nhân gặp phải tình trạng này cần nghỉ ngơi trong chỗ mát, bù nước và chất điện giải để hạ nhiệt cơ thể. Họ có thể cần đến bệnh viện, nhưng đa số các trường hợp sẽ hồi phục sớm và bác sĩ sẽ cho về nhà.
Các thể nhẹ của sốc nhiệt thì không nghiêm trọng lắm. Chẳng hạn như bạn có thể bị chuột rút khi đang tập luyện hoặc chơi thể thao dưới nắng. Đó cũng là một dạng sốc nhiệt nhẹ, mặc dù không ảnh hưởng quá nhiều đến tinh thần và thân nhiệt của cơ thể.
Nếu bạn đã uống rượu, đang mệt mỏi hoặc mới ốm dậy mà tập luyện hoặc chơi thể thao dưới trời nắng sẽ làm tăng nguy cơ bị chuột rút. Điều trị tình trạng này cũng giống với kiệt sức do nóng, chỉ yêu cầu bạn đi vào bóng râm nghỉ ngơi, đảm bảo uống đủ nước và và bù chất điện giải cho cơ thể.
Cơ thể bạn làm mát như thế nào?
Cơ thể chúng ta hoạt động tốt nhất ở mức thân nhiệt 37oC. Để duy trì nhiệt độ ổn định này, cơ thể sử dụng các cơ chế điều hòa nhiệt độ từ bên trong, chẳng hạn như run rẩy để tăng nhiệt và đổ mồ hôi để hạ nhiệt.
Các cơ chế hạ nhiệt cơ thể tất nhiên cũng tuân thủ các nguyên lý vật lý bao gồm dẫn truyền nhiệt, đối lưu, bốc hơi và bức xạ.
Nếu mùa hè bạn cầm trên tay một cốc trà đá, tiếp xúc vật lý giữa tay và cốc trà sẽ truyền nhiệt từ cơ thể vào đó, khiến thân nhiệt của bạn hạ xuống. Nhưng nó không đáng kể, dẫn truyền nhiệt chỉ chiếm khoảng 2% lượng thân nhiệt mà bạn mất đi hoặc muốn hạ xuống.
Cơ chế làm mát bằng đối lưu chiếm một tỷ trọng cao hơn, khoảng 10%. Đó là khi bạn truyền nhiệt trực tiếp vào không khí hoặc nước, khi bạn nhảy xuống hồ bơi. Bật quạt và tắm nước lạnh, đó là bạn đang hạ nhiệt bằng cơ chế đối lưu.
Khoảng 35% nhiệt lượng thất thoát ra khỏi cơ thể bạn từ cơ chế bốc hơi. Đó là khi cơ thể bạn đổ mồ hôi, truyền nhiệt ra mồ hôi khiến mồ hôi bay đi. Không chỉ con người, các loài động vật khác cũng sử dụng cơ chế hạ nhiệt bốc hơi này, chẳng hạn như những con chó hay lè lưỡi ra trong mùa hè và thở hổn hển, hoặc những con chuột túi có thói quen liếm cẳng tay của chúng.
Mặc dù vậy, con đường truyền nhiệt từ cơ thể ra ngoài mạnh nhất là thông qua bức xạ, dưới dạng sóng điện từ. Chúng có thể chiếm khoảng 65% tổn thất nhiệt cơ thể. Thật không may, khi nhiệt độ ngoài trời lớn hơn mức 35oC, truyền nhiệt theo cơ chế bức xạ này trở nên kém hiệu quả.
Đó là lý do tại sao mùa hè bạn thường cảm thấy nóng hơn, và cơ thể đổ nhiều mồ hôi hơn để làm mát bằng con đường bốc hơi. Các cơ chế làm mát của cơ thể còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm lượng quần áo bạn đang mặc, độ ẩm không khí, hôm nay bạn uống bao nhiêu nước và khả năng thích nghi với thời tiết của bạn.
Ngăn ngừa sốc nhiệt
Một số nghiên cứu cho thấy di truyền có thể khiến một số người dễ bị sốc nhiệt hơn những người khác. Các nhà khoa học cũng đang thử nghiệm một số loại thuốc giúp ngăn ngừa sốc nhiệt, nhưng họ mới chỉ đang thí nghiệm trên động vật.
Trong bối cảnh đó, chìa khóa để tránh ảnh hưởng bởi những cơn sốc nhiệt trong mùa hè là phòng ngừa chúng:
Tránh ra ngoài trời trong thời tiết nắng nóng, điều chỉnh môi trường sống trong nhà của bạn, lắp thêm điều hòa, quạt là những phương pháp thông thường. Ngoài ra, bạn cũng nên để ý uống đủ nước trong những ngày này để tránh cho cơ thể bị khát. Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn và đặc biệt không sử dụng ma túy.
Trẻ sơ sinh, người già và những người ốm từ trước có thể cần được lưu ý nhiều hơn, bởi họ là đối tượng dễ bị sốc nhiệt tấn công hơn. Các vận động viên cũng cần phải nhận thức được khi tập luyện hay thi đấu dưới trời nắng.
Cuối cùng, vào những ngày nắng nóng như thế này, bạn nên mang theo mình một chai nước lạnh, tránh phải ra ngoài trời, đặc biệt là vận động mạnh dưới nắng. Hãy ưu tiên ngồi nghỉ ngơi thư giãn bên trong một căn phòng mát mẻ, nếu bạn không muốn trở thành nạn nhân tiếp theo của sốc nhiệt.
Theo Zkninght (Trí Thức Trẻ)