Thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm tăng cao bất thường mấy ngày qua khiến nhiều người bị suy kiệt sức khỏe, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não với mọi người, nhất là đối tượng người già, trẻ nhỏ hoặc người có công việc phải ra ngoài đường nhiều.
BS Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bệnh liên quan tới nắng nóng, ra mồ hôi nhiều mà không được bù nước đầy đủ có thể dẫn tới mất nước và chuột rút, trong khi cơ thể không thải đủ nhiệt sẽ dẫn tới suy kiệt vì nóng, thậm chí là say nắng cần cấp cứu.
Say nắng là bệnh nghiêm trọng do nắng nóng. Bệnh xuất hiện khi cơ thể không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ: thân nhiệt gia tăng nhanh chóng, ra mồ hôi không đủ để giải tỏa nhiệt, cơ thể không thể tự làm mát. Thân nhiệt có thể lên tới 39,5 độ C hoặc cao hơn trong vòng 10-15 phút.
Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho biết say nắng (hay còn gọi là sốc nhiệt) là tình trạng cấp cứu, có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.
Các dấu hiệu cảnh báo say nắng gồm: Thân nhiệt lên cao (hơn 39,5 độ C); da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); mạch nhanh, mạnh; đau đầu nhức nhối; chóng mặt; buồn nôn; mê sảng; mất ý thức.
Dấu hiệu cơ thể mất nước vào ngày nóng:
Khô miệng, hôi miệng: Đó là do cơ thể không đủ chất lỏng nên không thể tạo nước bọt. Khô miệng, cơ thể thiếu nước khiến bạn có thể bị hôi miệng.
Da khô: Việc đầu tiên khi phát hiện da khô hơn bình thường, không phải là dùng kem dưỡng ẩm mà hãy uống bổ sung nước.
Tiểu ít: Nếu cơ thể không đủ nước, thận không thể mang chất thải ra khỏi cơ thể bạn qua nước tiểu. Khi nước tiểu quá cô đặc, chất thải khoáng dính vào nhau tạo sỏi thận.
Nước tiểu sẫm màu: Nước tiểu là một dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khoẻ hiện tại. Nếu cơ thể được bổ sung nhiều nước thì nước tiểu càng trong. Khi nước tiểu đậm màu, thậm chí màu trà, bạn nên nghĩ đến nguyên nhân đầu tiên là thiếu nước. Tuy nhiên, nhiều người không để ý đến dấu hiệu này.
Táo bón: Hệ thống thận - tiết niệu và tiêu hoá ảnh hưởng rất nhiều bởi việc dùng đủ nước hay không. Giống với thận, hệ thống tiêu hóa cần nhiều nước để hoạt động trơn tru. Nước giúp thức ăn di chuyển qua ruột và ruột khỏe mạnh. Táo bón có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể không đủ chất lỏng để mang chất thải ra ngoài.
Mệt mỏi, nhức đầu: Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy. Cơ thể không đủ nước sẽ khiến huyết áp giảm, lưu lượng máu đến não chậm lại và nhịp tim tăng lên khiến bạn khó chịu, thậm chí khó thở hơn bình thường.
Chuột rút, kiệt sức vì nóng hay say nắng thường xuất hiện ở trẻ lớn tham gia hoạt động thể lực kéo dài dưới nắng nóng, ví dụ trong giờ chơi thể thao. Với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước.
Để phòng ngừa say nắng các bác sĩ đưa ra lời khuyên, những người làm việc ngoài nắng nóng lâu, mọi người cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng. Khi nhiệt độ lên cao, nắng nóng gay gắt ở giờ cao điểm 11 - 15 giờ nên hạn chế hoạt động ngoài trời.
Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Theo Q.An (Giadinh.net.vn)