Bệnh giun rồng, còn gọi là Dracunculiasis, do ký sinh trùng Dracunculus medinensis gây ra. Loài giun này có thể dài hơn 1 mét trong cơ thể người, gây tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt ở da và mô mềm, thường là ở chân, tay. Sau khi bị nhiễm qua đường tiêu hóa, ấu trùng giun trưởng thành trong khoảng 10 - 12 tháng trước khi chui ra khỏi da người qua các vết loét, gây đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân.
Theo thống kê của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương, từ năm 2021 đến nay đã ghi nhận 24 ca bệnh tại năm tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Thanh Hóa và Phú Thọ. Trong đó, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có tới 6 trường hợp. Đặc biệt, hầu hết các bệnh nhân đều có thói quen ăn gỏi cá sống, uống nước suối hoặc nước chưa đun sôi, những hành vi tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Giun rồng lây qua đường tiêu hóa, khi người dân uống nước chứa bọ chét nước (Cyclops) mang ấu trùng giun hoặc ăn thực phẩm sống như cá, ếch, rắn chưa được nấu chín đúng cách. Chính vì vậy, các bác sĩ cảnh báo cần tuyệt đối tránh các thực phẩm chưa chín, đặc biệt là đồ sống và tái, để phòng tránh nhiễm bệnh. Các chuyên gia y tế khuyến nghị người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi lao động. Ngoài ra, chỉ nên uống nước đã đun sôi, đặc biệt là nguồn nước từ suối, khe núi. Khi xuất hiện các biểu hiện như nổi nốt sẩn, ngứa dai dẳng hay đau rát da, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Sự trở lại của bệnh giun rồng là lời cảnh báo về việc cần duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân và thực phẩm sạch để tránh dịch bệnh lây lan, đặc biệt tại các vùng miền núi còn nhiều điều kiện khó khăn về y tế và vệ sinh môi trường.
Theo Trà My (SHTT)