Trong chương trình "Doctor is hot", bác sĩ Trần Vinh Kiên, khoa ngoại, bệnh viện Min-Sheng General Hospital, chia sẻ về trường hợp một bệnh nhân nữ (hơn 20 tuổi) sống tại Đài Loan.
Cô gái đến bệnh viện khám sau khi sờ thấy khối u ở ngực và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 1, sắp chuyển sang giai đoạn 2. Trong lúc tra hỏi nguyên nhân mắc bệnh, bác sĩ Trần cảm thấy khó hiểu bởi trường hợp của bệnh nhân không có tiền sử gia đình mắc bệnh, cô gái đã kết hôn và sinh con, nguyên nhân nào khiến bệnh nhân mắc bệnh ung thư vú ở độ tuổi còn quá trẻ?
Sau đó, bệnh nhân tình cờ tiết lộ thói quen mỗi ngày đều ăn đồ chiên rán, chẳng hạn mỗi bữa ăn của cô gái nhất định sẽ có món gà rán hoặc khoai tây chiên. Bác sĩ Trần nhấn mạnh, thức ăn chiên rán thường không được liệt kê trong các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư vú nên mọi người thường xem nhẹ, bởi khi nhắc đến đồ ăn chiên rán thì mọi người chỉ nghĩ đến ung thư dạ dày hoặc rối loạn chuyển hóa.
Thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ không chỉ khiến bạn béo phì mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Chuyên gia dinh dưỡng Lý Uyển Bình, công tác tại phòng khám Reshining clinic, chỉ ra các loại thực phẩm đã qua chế biến như đồ chiên rán, thịt đỏ và giăm bông đều chứa chất béo bão hòa và ít chất xơ, được xem là nguyên nhân tăng nồng độ hormone sinh dục nữ là estrogen và làm tăng nguy cơ mắc u xơ tử cung và ung thư buồng trứng.
Bác sĩ Giang Khôn Tuấn, khoa ngoại, bệnh viện Min-Sheng General Hospital, cho biết theo thống kê, nếu chỉ số BMI của phụ nữ lớn hơn 25, khả năng mắc ung thư vú sẽ tăng 17%; nếu lớn hơn 30, sẽ tăng 37%; và những phụ nữ béo phì có chỉ số BMI lớn hơn 35, khả năng mắc ung thư vú sẽ tăng 60%. Trong số các yếu tố nguy cơ, đáng sợ nhất là hormone (nội tiết tố).
Khi bầu ngực của phụ nữ ảnh hưởng nhiều bởi hormone, chẳng hạn như kinh nguyệt đến sớm nhất là 12 tuổi, mãn kinh muộn hơn 55 tuổi, thì nhóm phụ nữ này sẽ có lần hành kinh nhiều hơn những phụ nữ khác và nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cũng sẽ tăng lên.
Bác sĩ Giang thông tin thêm, những phụ nữ chưa từng mang thai hoặc cho con bú có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú rất cao. Đặc biệt nhóm phụ nữ này khi cảm thấy ngực khó chịu hoặc đau đớn thì họ sẽ đến bệnh viện thực hiện kiểm tra X - quang, trên thực tế, nếu bầu ngực tiếp xúc với bức xạ quá nhiều và không cần thiết trong một thời gian dài thì khả năng bị ung thư vú cũng sẽ tăng lên theo thời gian.
Ung thư vú giai đoạn 1
Trong ung thư vú giai đoạn 1, ung thư biểu hiện rõ ràng nhưng khối u chỉ giới hạn khu vực bắt đầu phát triển các tế bào bất thường đầu tiên. Nếu ung thư vú đã được phát hiện ở giai đoạn này có thể điều trị rất hiệu quả.
Giai đoạn 1 có thể được chia thành Giai đoạn 1A và Giai đoạn 1B. Sự khác biệt được xác định bởi kích thước của khối u và các hạch bạch huyết có bằng chứng của các tế bào ung thư.
Ung thư vú giai đoạn 1A có nghĩa là: Khối u nhỏ hơn hoặc gần bằng kích thước hạt đậu phộng (2 cm hoặc nhỏ hơn) và chưa lan đến các hạch bạch huyết.
Ung thư vú giai đoạn 1B bao gồm:
Các hạch bạch huyết có bằng chứng của tế bào ung thư với các cụm tế bào nhỏ có kích thước từ 0,2 mm đến 2,0 mm tương đương kích thước ước chừng của một đầu đinh nhọn đến xấp xỉ một hạt gạo.
Và không có khối u thực sự được tìm thấy trong vú.
Hoặc khối u nhỏ hơn kích thước 2cm hoặc nhỏ hơn (tương đương kích thước hạt đậu phộng).
Theo Tú Uyên (Pháp Luật & Bạn Đọc)