Theo kết quả tổng điều tra về dinh dưỡng 2019-2020, mức tiêu thụ thịt của người Việt tăng nhanh, với bình quân 136,4g/người/ngày, trong đó thịt đỏ là 95,5g, thịt gia cầm 36,2g và các sản phẩm từ thịt là 4,7g.
Ở khu vực thành thị, mức tiêu thụ thịt cao hơn với 154g/người/ngày, còn ở khu vực nông thôn là 126,2g/người/ngày.
Theo nhu cầu khuyến nghị dành cho người Việt Nam, số lượng protein/ngày ở nhóm 19-30 tuổi nam giới là 74-68g, còn nữ giới 63-60g. Tỉ lệ giữa protein động vật/protein tổng số là từ 30-35%. Tỉ lệ giữa lipid động vật/lipid tổng số không nên vượt quá 60%.
So với mức khuyến nghị này, lượng thịt mà người Việt sử dụng đang cao hơn gần gấp đôi.
Theo Tuổi Trẻ dẫn lời TS.BS Trần Quốc Cường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho hay các loại thịt nói chung và thịt đỏ nói riêng là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, chứa hàm lượng axit amin thiết yếu, vitamin B12 và một số khoáng chất như sắt, kẽm…
Tuy nhiên, nếu ăn vượt khuyến cáo thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ và ung thư (đại trực tràng, gan, tụy, tiền liệt tuyến, phổi, thực quản…) vẫn có thể xảy ra. Tỉ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn khi ăn nhiều thịt đỏ chế biến sẵn vì chúng chứa các chất béo bão hòa, nitrite, nitrat, nitrosamine...
Chia sẻ với báo chí, PGS. Lê Bạch Mai (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) nhận thấy rằng rất nhiều người Việt thích ăn thịt, đặc biệt là thịt đỏ, thịt phần cơ bắp của động vật 4 chân như thịt bò, trâu, lợn, cừu, dê. Cứ nhìn mâm cơm của người Việt nhất là lúc đãi khách là thấy, hầu như chỉ thấy toàn thịt, có rất ít rau xanh.
Thậm chí, trong quan niệm của nhiều người, rau xanh là thứ kém sang trọng. Do đó, người ta so độ giàu sang bằng thịt. Thế nhưng điều đó lại vô tình khiến chúng ta già nhanh hơn, dễ mắc bệnh không lây nhiễm mà không biết. Việc ăn nhiều thịt đỏ khiến bạn dễ bị bệnh tim mạch, ung thư hơn.
PGS. Lê Bạch Mai giải thích rằng, chính chế độ dinh dưỡng mất cân bằng là nguyên nhân đẩy nhanh quá trình oxy hóa. Khi ấy, các gốc tự do sản sinh ra nhiều làm tổn thương các tế bào. Từ đó làm suy giảm chức năng của cơ thể khiến da nhăn hơn, kém tươi tắn, lão hóa sớm. Do đó, PGS. Mai khuyến cáo mọi người nên xây dựng chế độ ăn hợp lý, ăn đa dạng thực phẩm.
Đồng thời, bà cũng chỉ ra rằng: Có 8 nhóm thực phẩm nên ăn cân đối để bảo vệ sức khỏe.
+ Nhóm 1: Các loại thực phẩm ngũ cốc như cơm, khoai, ngô, sắn… Đây là nhóm cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động bình thường.
+ Nhóm 2 gồm các loại hạt như đậu, vững, lạc… Đây là nguồn cung cấp chất đạm thực vật cho cơ thể.
+ Nhóm 3 là sữa và các sản phẩm từ sữa có thể cung cấp canxi và đạm động vật cho cơ thể.
+ Nhóm 4 bao gồm thịt, cá, hải sản các loại. Nhóm này nhằm cung cấp đạm động vật, axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp được.
+ Nhóm 6 là trứng và các sản phẩm từ trứng với khả năng cung cấp đạm động vật và nhiều dưỡng chất cho cơ thể.
+ Nhóm 6 là nhóm rau củ quả có màu vàng, da cam, đỏ như cà rốt, bí ngô, cà chua, gấc và rau có màu xanh thẫm. Đây là những thực phẩm cung cấp vitamin và khoáng chất thiết yếu.
+ Nhóm 7 là rau củ quả khác như su hào, củ cải có thể cung cấp chất khoáng, vitamin và chất xơ.
+ Nhóm 8 là dầu ăn, mỡ có tác dụng cung cấp năng lượng và axit amin béo cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, PGS. Mai cũng khuyên mọi người nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, giảm gốc tự do, giúp phòng bệnh hiệu quả.
PN (Nguoiduatin.vn)