Chồng phân biệt đối xử không công bằng giữa hai bên nội ngoại là điều khiến bất cứ người vợ nào cũng cảm thấy bị tổn thương, mệt mỏi.
Mới đây trên mạng xã hội cũng chia sẻ câu chuyện của một cô gái than vãn về cuộc sống hôn nhân đầy căng thẳng của mình. Tất cả cũng chỉ vì anh chồng sống nhất bên trọng, nhất bên khinh đối với bố mẹ vợ:
Người vợ kể: "Nghĩ thấy thương bố mẹ đẻ của mình các chị ạ. Mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi ăn học xong rồi gả con gái đi là coi như mất con. Được chàng rể có tâm thì đỡ, chứ phải ông con rể vô tâm lại phải e dè, muốn gặp con gặp cháu còn phải giữ ý tứ thì chán hẳn. Như bản thân em là ví dụ, lấy phải chồng gia trưởng, lúc nào cũng coi nội là nhất, ngoại chỉ là phụ, nản vô cùng.
Vợ chồng em cưới nhau năm 2017. Nhà chồng em có điều kiện hơn, bố anh là cán bộ nhà nước, mẹ kinh doanh buôn bán. Ngược lại nhà ngoại em làm nông, bố mẹ không có lương nên cuộc sống khá vất vả.
Sau cưới 2 đứa được bố mẹ chồng mua cho căn chung cư hơn tỷ nên khoản nhà cửa không phải lo. Bố mẹ đẻ em không có, chỉ thi thoảng gửi cho con cháu mớ rau, con gà con vịt hay tải gạo là hết khả năng. Chồng em không hiểu điều ấy, anh hay dè bỉu bố mẹ vợ nhà quê. Rồi suốt ngày nhắc vợ rằng nhà nội lo cho nhiều thì em phải biết đường tận tâm chăm sóc bố mẹ chồng chu đáo hơn. Nhà ngoại không quan tâm gì thì cũng không phải để ý ấy.
Giữ lối suy nghĩ đó nên mỗi lần về quê anh cũng không gần gũi, thân thiện với nhà vợ. Mang tiếng năm về được đôi ba lần dịp giỗ lễ nhưng cứ xong việc cái là vội vã thúc vợ lên xe đi ngay. Nhà người ta bố vợ con rể gặp nhau là ngồi lai dai chén rượu chứ chồng em cấm bao giờ chịu ngồi chuyện trò với ông. Cảm giác anh ở nhà vợ rất miễn cưỡng, ai tinh ý nhìn cái là nhận ra ngay. Thế nên bọn em về, không bao giờ ông bà dám giữ lại lâu. Ngược lại, nhà nội có công có việc anh sẽ thúc vợ về trước cả mấy ngày.
Hôm vừa rồi em tổ chức sinh nhật cho con tròn 1 tuổi. Ông bà ngoại dưới quê xa không lên được, ông bà nội sang mua bánh mua quà còn cho cháu 5 triệu. Ông bà cho nhiều, em hơi ngại nên cũng đùn đẩy bảo chỉ nhận quà còn tiền xin gửi lại bố mẹ. Chồng em ngồi bên làm luôn câu: 'Thôi, bố mẹ cho em cứ cầm lấy. Gớm, ông bà nội quan tâm cháu thế chứ ông bà ngoại kém xa'.
Câu nói của chồng làm em đỏ mặt, miệng đang cười nói với ông bà nội mà cứng hàm luôn. Nếu anh ấy nói lúc chỉ có 2 vợ chồng, em sẽ đỡ cảm giác ức chế, đằng này trước mặt bố mẹ đẻ, mang bố mẹ vợ ra so thì không thể chấp nhận được. Nhân tiện bố mẹ chồng ở đó, em thể hiện thái độ luôn bảo anh đừng so sánh kiểu đấy. Ông bà nội hay ông bà ngoại cũng đều thương con quý cháu như nhau. Có điều mỗi nhà một điều kiện, ông bà ngoại thương cháu nhưng cũng chỉ có thể lo cho cháu trong khả năng của họ.
Giọng em cũng nhẹ nhàng thôi song cả bố mẹ chồng em đều nhận ra em đang tự ái. Mẹ chồng em nhanh miệng đỡ lời ngay: 'Vợ con nói đúng đó, ông bà nào cũng thương con mến cháu. Chẳng qua bố mẹ có điều kiện hơn lại ở gần nên thường xuyên sang thăm cháu hơn. Ông bà thông gia ở quê xa lại không có điều kiện làm sao đi lại suốt được.
Với lại như ngày vợ con ở cữ đó, toàn bà ngoại chăm lo vợ con con chứ bố mẹ bận có đỡ đần được đâu. Người góp công người góp của, không ai hơn ai, quan trọng là tấm lòng tình cảm. Con đừng bao giờ so sánh như vậy kẻo đến tai bố mẹ vợ con họ sẽ buồn lắm đó'.
Mặt chồng em đỏ gay quay sang nhìn vợ kiểu ngại. Tới lúc ông bà nội về, em tiện đà nói cho anh thêm 1 tràng nữa. Sau anh phải xuống nước nhận sai, bảo sẽ rút kinh nghiệm".
Thật sự cô gái nào đi lấy chồng cũng đều mong có thể "mang về" cho bố mẹ mình 1 chàng rể hiền, cùng mình báo hiếu người sinh dưỡng giống như bản thân họ luôn tận tâm chăm sóc gia đình nhà chồng. Hơn nữa nội ngoại hai bên có êm ấm thì cuộc sống vợ chồng mới vui vẻ. Bởi hôn nhân không chỉ có hai người mà nó được nuôi dưỡng từ rất nhiều mối quan hệ ràng buộc xung quanh, đòi hỏi chúng ta biết phải chăm sóc, vun đắp. Mong các anh chồng hãy hiểu, cùng vợ sống tận tâm, công bằng giữa hai bên để xây dựng mái ấm hôn nhân trọn vẹn.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)