Tôi kinh doanh mặt hàng gia dụng cho mẹ và bé. Cửa hàng của tôi đông khách nên lợi nhuận khá tốt.
Nhà tôi chỉ có 2 mẹ con. Ngày trước, cuộc sống khó khăn nên tôi cũng lăn lộn đủ nghề, chỉ mong lo cho mẹ đầy đủ.
Mẹ tôi là mẹ đơn thân. Năm xưa bà vượt qua mọi điều tiếng để sinh ra tôi. Vì vậy, tôi luôn biết ơn và trân trọng bà.
Sau này bố có về tìm nhưng tôi không gặp. Bao năm ông bỏ rơi 2 mẹ con, đi lấy người vợ giàu có, đến lúc sa cơ, lại về tìm mẹ con tôi hỏi vay tiền.
Mẹ tôi chỉ biết khóc thầm, tủi phận. Tôi thương mẹ nên lấn cấn mãi chưa chịu lấy vợ.
Mãi đến ngày mở được cửa hàng, kiếm ra tiền tôi mới tính chuyện lập gia đình. Thế nhưng lúc này tuổi tác cũng ngoài 30, tôi bắt đầu ngại chuyện yêu đương.
Qua bạn bè giới thiệu, tôi quen Quỳnh - nhân viên quỹ tín dụng. Em kém tôi 1 tuổi, con nhà gia giáo.
Mặc dù tình cảm chưa đến mức sâu nặng nhưng chúng tôi vẫn quyết định kết hôn. Quỳnh bảo không muốn lấy chồng quá muộn, sợ tuổi tác nhiều, sinh con khó khăn.
Về mặt tính cách, tôi thấy em ăn nói dịu dàng, biết quan tâm mọi người. Quỳnh học tài chính, tính toán làm ăn cũng nhanh nhẹn. Tôi hi vọng hai vợ chồng cùng xây dựng cơ ngơi.
Hai gia đình gặp nhau khá vui vẻ, tôi còn đặt 2 mâm ngoài nhà hàng. Đám hỏi, tôi chuẩn bị tươm tất. Mặc dù nhà gái chỉ yêu cầu 10 triệu phong bì lễ ‘đen’ (tiền mặt -nv) nhưng tôi làm 3 phong bì. Mỗi phong bì 10 triệu đồng.
Tiền phông rạp, bàn ghế, đội hình đỡ tráp… tôi lo hết. Quỳnh chỉ lo mỗi việc làm đẹp, giữ tinh thần thoải mái.
Sau lễ ăn hỏi ấm cúng, chúng tôi bắt tay vào trang trí tổ ấm, chụp ảnh cưới và phát thiệp mời.
Mẹ tôi chiều con dâu hết mức. Bà mua một bộ trang sức đắt tiền, dự định trao cho Quỳnh trong ngày cưới.
Đồ đạc trong nhà, bà bắt tôi sắm mới hết, thanh lý đồ cũ. Mẹ tôi muốn con dâu về, được sống trong không gian tiện nghi nhất có thể.
Bà bảo, cuộc đời bà vất vả. Giờ bà mong con dâu được sung sướng. Mặc dù chưa cưới nhưng bà hay nấu nướng, gọi Quỳnh về ăn. Hôm nào em bận, bà gọi người mang đến tận nơi.
Một tuần sau đám hỏi, tôi được mẹ Quỳnh mời đến nhà ăn cơm. Trong bữa cơm, mẹ vợ tương lai đưa tôi một loạt danh sách cần chuẩn bị cho hôn lễ.
Trong đó có váy cưới, trang điểm cô dâu, áo dài và vest cho bố mẹ vợ, tiền đặt cỗ (hai nhà ăn 2 ngày khác nhau), tiền thuê xe 30 chỗ đưa đón họ hàng dưới quê (quê em cách Hà Nội 70km), tiền mời họ hàng nhà em ăn uống 2 ngày…
Mẹ vợ thấy tôi xem rồi im lặng, bà nhắc tôi chuẩn bị 100 triệu đồng để lo những hạng mục trong danh sách. Tôi bảo mẹ Quỳnh: “Đây là việc người lớn, con cần bàn với mẹ. Mai con sẽ báo lại”.
Tôi vừa dứt lời, mẹ Quỳnh thủng thẳng đáp: “Con lớn rồi, tự chủ làm ăn. Việc này con quyết cũng được, không cần phải bàn với mẹ con”.
Mặc dù số tiền 100 triệu không quá nhiều. Tôi hoàn toàn lo được nhưng tôi thấy rất vô lý.
Khoản trang điểm cô dâu, váy cưới tôi không bàn đến nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy nhà trai phải lo khoản thuê xe đưa đón họ hàng nhà gái, may áo dài và vest cho bố mẹ vợ.
Khoản đặt cỗ càng phi lý hơn. Vì nhà gái đặt cọc, sau sẽ lấy tiền mừng thanh toán. Giờ họ lại bắt nhà trai phải chi hết toàn bộ. Hơn nữa, những việc này phải được bàn từ sớm. Giờ ấn định ngày cưới, tổ chức lễ ăn hỏi xong mẹ vợ mới nói. Tôi cảm giác họ dồn tôi vào thế bí, buộc phải chi tiền. Thực sự, tôi thấy nhà mình bị thiếu tôn trọng.
Từ hôm qua đến nay, Quỳnh gọi điện cho tôi liên tục, chắc muốn tôi chuyển tiền sớm để lo liệu.
Tôi tắt máy, không muốn nghe vì chưa biết trả lời sao cho hợp lý. Em nhắn tin trách tôi chi ly, keo kiệt với gia đình vợ. Ba ngày nữa, chúng tôi sẽ đăng ký kết hôn.
Trước tình huống này, tôi thấy bối rối quá. Tôi có nên tạm hoãn việc đăng ký lại không?
Xin hãy cho tôi lời khuyên.
Theo V.N (VietNamNet)