Ung thư cổ tử cung được mệnh danh là “sát thủ” đối với sức khỏe phụ nữ vì tỷ lệ tử vong và mức độ ảnh hưởng lên cơ thể rất lớn. Căn bệnh diễn biến âm thầm và thường phát triển trong 5 – 20 năm. Nếu tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan lân cận hoặc các hạch bạch huyết, khối u có thể làm gián đoạn hoạt động của các bộ phận đó.
Nếu như trước đây, nhóm đối tượng mắc ung thư cổ tử cung thường tập trung chủ yếu ở phụ nữ trên 35 tuổi thì giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể mắc căn bệnh nguy hiểm này.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung là do cơ thể nhiễm virus HPV. Do đó để phòng bệnh, chị em có thể thực hiện xét nghiệm HPV để chẩn đoán virus có đang tồn tại trong cơ thể hay không, từ đó đánh giá khả năng mắc bệnh.
Ngoài ra, hàng ngày bạn cũng nên tự khám sức khỏe "vùng kín". Đặc biệt là sau kỳ kinh nguyệt, nếu nhận thấy 2 điểm bất thường này thì nên đi xét nghiệm HPV càng sớm càng tốt.
2 hiện tượng bất thường sau kinh nguyệt có thể là ung thư cổ tử cung
- Dịch âm đạo tiết ra bất thường
Dựa vào tình trạng khí hư, các bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán tổng quan về tình hình sức khỏe của phụ nữ. Chẳng hạn khi dịch âm đạo dính trên quần lót có màu vàng, nổi bọt, mùi hôi đặc trưng, âm đạo bị đau rát… chứng tỏ cơ thể đã mắc bệnh phụ khoa.
Nếu dịch âm đạo có cặn như đậu phụ, màu như nước vo gạo thì nguy cơ nhiễm virus HPV là rất cao. Lúc này, cổ tử cung đã có dấu hiệu bị tổn thương, nếu không điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến bệnh ung thư.
- Kinh nguyệt xuất hiện trở lại khi chưa đầy 3 tuần
Thời gian của chu kỳ kinh nguyệt tính từ ngày đầu tiên xuất hiện đến ngày đầu của chu kỳ tiếp theo. Một kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài trong khoảng 4 tuần (28 ngày), thời gian thực tế có thể chậm hơn hoặc nhanh hơn 1 tuần.
Vậy nên, nếu phụ nữ thấy kinh nguyệt xuất hiện khi chưa đầy 3 tuần thì đó là dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, nếu lượng máu chảy ra trong kỳ kinh nguyệt rất ít, tần suất chảy máu thưa thớt thì có lẽ đó không phải là máu kinh. Mà có thể là máu chảy ra từ âm đạo do cổ tử cung bị tổn thương. Tương tự, nếu kỳ "đèn đỏ" kéo dài bất thường, đồng thời có hiện tượng máu chảy nhỏ giọt ở quần lót thì đó cũng không phải máu của kỳ kinh. Trong cả hai trường hợp, hãy chuẩn bị xét nghiệm HPV sớm nhất để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và phát hiện ra bệnh ở giai đoạn sớm.
Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung?
- Quan tâm đến thay đổi về thể chất
Muốn tìm ra “manh mối” của bệnh thì chúng ta phải quan sát sự thay đổi bất thường của dịch tiết âm đạo và tình trạng hành kinh. Ngoài ra, nếu cơ thể thường xuyên đau ở một điểm cố định tại vùng bụng dưới thì đó cũng là dấu hiệu cảnh báo ung thư đang đến gần.
- Kiểm tra cổ tử cung thường xuyên
Nếu bệnh ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm thì khả năng điều trị thành công là rất cao. Theo nghiên cứu, phụ nữ trên 21 tuổi, đã từng quan hệ tình dục nên đi kiểm tra cổ tử cung ít nhất một lần trong 3 năm.
Nếu cổ tử cung được phát hiện nhiễm virus HPV, việc loại bỏ hoàn toàn virus có thể đạt được bằng cách cải thiện hệ thống miễn dịch của người bệnh. Lúc này, bệnh nhân được khuyến cáo có chế độ ăn uống hợp lý, chú ý cân bằng dinh dưỡng, tránh xa đồ ăn cay, các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia.
- Chăm sóc cơ thể
Điều quan trọng nhất là chú ý đến vệ sinh cá nhân hàng ngày và đảm bảo quan hệ tình dục an toàn. Thực tế, những người thường xuyên làm “chuyện ấy” và không chú ý đến việc vệ sinh thân thể có nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung cao hơn người bình thường.
Theo Tiểu Vy (Pháp Luật & Bạn Đọc)