Trong hôn nhân sự tôn trọng là một nền tảng để giúp vợ chồng có thể duy trì tình yêu, xây đắp gia đình. Một khi những điều ấy lung lay, tổ ấm ấy cũng thật khó có thể bền vững.
Một cô gái kể về chuyện gia đình của chị gái mình. Đến cùng, những sai lầm đều được giải quyết theo cách triệt để làm sao:
"Chị tôi và anh rể quen biết từ hồi đại học. Thật sự, lúc đầu ba mẹ cảm thấy hai nhà ở quá xa nhau, tính cách cũng không phù hợp, nhưng chị vẫn kiên quyết kết hôn với anh. Dù gì thì hôn nhân cũng là chuyện của hai người, yêu như thế rồi thì còn làm gì được nữa. Bởi vậy, họ kết hôn luôn.
Thời gian đó, chị tôi rất tin tưởng vào tương lai, cảm thấy tình yêu có thể chiến thắng tất cả. Họ hạnh phúc vì rất yêu thương nhau.
Năm đầu tiên sau khi kết hôn chị có em bé, anh rể cũng tìm được công việc với mức lương cao. Nhưng công việc của anh phải xa nhà thường xuyên, có đôi khi 2-3 tháng mới về với vợ con được một tuần.
Cũng vì những sự xa cách này khiến cho cuộc hôn nhân của họ lung lay và xuất hiện vết rạn vỡ. Chị tôi muốn mua nhà và được bố mẹ hai bên trợ giúp khá nhiều nhưng vẫn thiếu mất một chút. Tình yêu của hai cũng bắt đầu nhen nhóm lên cái gọi là xích mích bởi cơm, áo, gạo, tiền.
Giấy tờ nhà để tên của hai người, anh rể vẫn đi đi về về như vậy. Những cuộc điện thoại trở nên thưa dần vì công việc đều bận rộn. Nhưng cũng vì thế, hai trái tim trở nên xa cách hơn. Ở xa nhau như vậy làm cho hai người không còn tin tưởng nhau như trước.
Những tháng ngày không có anh rể bên cạnh, chị tôi cũng tìm công việc. Ngoài giờ hành chính, chị cùng một người bạn mở shop thời trang riêng nữa.
Chị bắt đầu thích sửa soạn, trang điểm cho phù hợp với công việc buôn bán của mình. Bản thân chị cũng dần quen với cuộc sống không có anh rể, cái gì chị cũng tự làm được, mạnh mẽ như một người đàn ông vậy.
Chị rất xinh đẹp, trang điểm lên thì càng xinh hơn, mấy chuyện trai gái kia chị còn chưa nghĩ tới thì anh rể đã nổi máu ghen, điên cuồng hành hạ chị gái tôi. Nói chung điều này ai cũng hiểu vì xa nhau nên thiếu cảm giác an toàn, thế nhưng cái cách anh làm chẳng ai bênh vực nổi.
Thế là trận cãi nhau đầu tiên xảy ra, bắt đầu những trận khẩu chiến, những cuộc chiến tranh lạnh, rồi lại cãi vã. Anh rể cũng phải đi làm, rồi lại rời nhà. Mỗi cuộc điện thoại là mỗi lần cãi nhau do tính hay ghen của anh mà ra. Chị tôi vừa chăm con, vừa đi làm, vừa tính đường buôn bán, mệt mỏi vô cùng. Sau thì tình yêu cũng hết, chỉ còn lại sự chán ngán.
Anh rể là một người đàn ông bảo thủ, không nhận mình sai. Anh cho rằng tiền lương mình cao nên mỗi lần tức giận là cắt luôn tiền trả lãi mua nhà ngân hàng, cắt luôn tiền sinh hoạt cho con nhỏ, lễ Tết cũng chẳng gửi đồng nào phụ vợ.
Anh muốn để chị tôi phải cúi đầu. Thời gian ấy, công việc kinh doanh của chị khó khăn, lại bị lừa mất một lô hàng lớn càng chật vật hơn nữa. Khi đó, chi tiêu nhiều tháng của chị phụ thuộc vào khoản lương hành chính 8 triệu đồng.
Chị đã làm đủ việc, vay mượn cha mẹ để co kéo chi tiêu, con còn bé cần tiền sữa bỉm. Chị có bàn với chồng nhưng anh gạt đi, liên tục nói kiểu không có anh đời chị chỉ có 'chết chìm'. Cũng vì những điều đó, chị tôi thấy rằng cuộc hôn nhân này không thể tiếp tục được nữa, ly hôn là sớm muộn mà thôi.
Chị tiếp tục xin xỏ chồng nhờ giúp đỡ nhưng anh ép chị phải ở nhà, anh gửi tiền về nuôi. Đàn bà không nên đi làm, không được ăn diện điệu đà. Anh còn nặng lời bảo rằng những 'cái ngữ' ấy chỉ có đong đưa ong bướm mà thôi.
Đó là lần cuối cùng, chị gái tôi liên hệ xin giúp đỡ. Sau khi anh về nhà từ chuyến công tác, chị chìa lá đơn ly hôn đã kí tên sẵn yêu cầu chồng kí. Đến lúc này anh càng điên tiết chửi bới chị bằng hàng loạt từ khó nghe.
Anh kí rất nhanh vào lá đơn, thách thức chị ra ngoài sống. Chị bình thản trước mọi câu nói, cầm lấy đơn ly hôn nở nụ cười. Lúc này, anh mới sững sờ bật khóc cầu xin nhưng đã muộn mất rồi.
Chị tôi sau đó được bố mẹ tôi giúp đỡ, ông bà rút hết sổ tiết kiệm cho con gái lo chuyện công việc. Chị cũng dọn về sống với bố mẹ tôi để họ chăm con giúp. Chị tiếp tục vực lại chuyện kinh doanh. Hiện tại, chị rất vui vẻ, đã trả lại tiền tiết kiệm cho bố mẹ. Anh rể tôi cuối tuần vẫn đón thằng bé đi chơi. Anh nhiều lần xin quay lại nhưng chị lắc đầu, không hề trao cơ hội nữa".
Một cuộc hôn nhân lúc nào cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Họ đến với nhau bằng tình yêu thật nhưng tình cảm không đủ mạnh để vượt hết sóng gió và những nghi ngờ trong hôn nhân.
Đôi khi, giây phút khiến người vợ mất hết niềm tin chỉ đến từ những điều nhỏ nhặt mà thôi. Nếu đã cảm thấy chuyện hôn nhân không thể nào thay đổi được nữa thì ly hôn có lẽ là cách giải quyết đúng đắn hơn tất cả.
Theo Rena (Trí Thức Trẻ)