Với người Việt Nam, ổi là loại trái cây vô cùng gần gũi và dễ kiếm, vào mùa hè loại quả này càng được yêu thích hơn bởi đây là thời điểm ổi giòn ngọt nhất trong năm.
Không chỉ vậy, quả ổi còn là "kho dinh dưỡng" tuyệt vời. Trong 100 gam ổi có chứa: 1g protein, 15mg canxi, 1mg sắt, 0,06mg retinol (vitamin A), 0,05mg thiamin (vitamin B1) và 200mg axit ascorbic (vitamin C), thậm chí hàm lượng vitamin C cao trong quả ổi còn hơn đáng kể so với quả cam.
Ăn ổi thường xuyên và đúng cách sẽ có lợi cho tim, tăng cường chức năng não, tốt cho răng miệng, tăng cường chức năng tuyến giáp, hỗ trợ hệ miễn dịch... Dù vậy, để việc ăn ổi có thể phát huy mọi tác dụng và không gây hại cho sức khỏe, bạn cần nắm rõ những nguyên tắc sau đây:
1. Không ăn ổi còn non, còn xanh
Theo lương y đa khoa Quốc Gia Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt nam, Hội Đông y Hà Nội), quả ổi chỉ phát huy tác dụng khi đã chín, cần tránh ăn ổi non hoặc xanh vì vị chát trong ổi sẽ có hại cho chị em bị bệnh dạ dày hoặc táo bón.
2. Cần nhai kỹ trước khi nuốt hạt ổi
PGS.TS Trần Đình Toán (Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng) cho biết hạt ổi rất giàu chất xơ, có thể ngăn chặn sự hấp thu mật, kiểm soát sự hấp thu chất béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol... nhưng nếu hạt ổi không được nhai kỹ sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, vô hình chung biến hạt ổi thành "thuốc độc" làm hại cho sức khỏe của chính bạn.
3. Người bị bệnh dạ dày nên cẩn thận khi ăn ổi
Quả ổi giòn cứng, nếu nhai không kỹ sẽ khiến cho dạ dày phải hoạt động nhiều hơn và từ đó có thể khiến các cơn đau dạ dày thêm trầm trọng. Ngoài ra, đây cũng là loại trái cây giàu tính axit nên nếu bạn ăn hoặc uống nước ép ổi lúc bụng đói sẽ khiến dạ dày dễ bị tổn thương hơn.
4. Bệnh nhân tiểu đường nên cân nhắc trước khi ăn ổi
Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng), ổi có chỉ số đường huyết cao với GI = 78 nên nếu ăn không đúng cách sẽ làm cho đường huyết tăng cao. Điều này có thể gây nguy hiểm cho nhóm người đang mắc tiểu đường, khiến tình trạng thêm trầm trọng, nếu đường huyết tăng quá cao người tiểu đường có nguy cơ phải đối diện với những biến chứng nguy hiểm như suy thận, hoại tứ chi, thậm chí là tử vong.
Bệnh nhân tiểu đường vẫn có thể ăn ổi nhưng cần chú ý khi ăn ổi cần chú ý gọt sạch vỏ quả vì đây là bộ phận có thể làm tăng đường huyết nhanh, ăn trước bữa chính 1 giờ hoặc sau bữa chính 2 giờ. Khoảng cách ăn giữa 2 lần là 6 giờ, không ăn quá 2 quả ổi nhỏ mỗi ngày để tránh nguy cơ tăng đường huyết.
5. Người bị suy nhược cơ thể nên tránh ăn ổi
Khi cơ thể mệt mỏi thì hệ tiêu hóa cũng sẽ hoạt động kém hiệu quả, việc ăn ổi trong lúc này sẽ gây khó tiêu, khiến dạ dày phải co bóp nhiều.
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, những người bị suy nhược cơ thể nên sử dụng ổi dưới dạng xay nhuyễn hoặc ép thành nước thì sẽ hấp thụ được tốt hơn.
6. Khuyến khích ăn ổi cả vỏ đối với những người khỏe mạnh bình thường
Ăn ổi gọt vỏ chỉ được khuyến khích với người mắc bệnh tiểu đường. Nếu bạn là người khỏe mạnh và đã biết chắc loại ổi mình ăn là ổi sạch, không có dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật thì các chuyên gia khuyến khích nên ăn cả vỏ vì vỏ ổi có hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào.
Tuy nhiên nếu ăn ổi cả vỏ, bạn nên ngâm rửa cẩn thận để loại bỏ các hóa chất, nên chọn mua ổi ở những cửa hàng có uy tín, cửa hàng que hoặc nguồn ổi mà bạn biết rõ quá trình trồng trọt… để có thể tự tin ăn cả vỏ, thu được hàm lượng dinh dưỡng tối đa.
Theo Đỗ Đỗ (Tổ Quốc)