Phờ phạc vì mắc Covid-19 lần 3

12/04/2023 17:12:27

“Tôi tiêm 3 mũi vắc xin và đã hai lần bị Covid-19, cứ ngỡ thoát rồi. Không ngờ lần nhiễm này thực sự phờ phạc, khổ sở", anh N.V.T (35 tuổi, trú tại TP.HCM) cho biết.

Người đàn ông này cho biết triệu chứng đầu tiên mà anh gặp phải là đau họng. Khi nói và nuốt nước bọt, anh đều cảm thấy rất đau, kèm theo sốt và mệt. Nghĩ rằng mình bị cảm cúm do thời tiết nắng mưa thất thường, anh mua vài liều thuốc cảm để uống. Thời gian này, cả nhà anh T. vẫn ăn uống, sinh hoạt chung. 

Tiêm 3 mũi vắc xin, hai lần mắc Covid-19 vẫn tiếp tục bị tái nhiễm

Gần một tuần sau, anh mệt mỏi nhiều hơn, khó thở, sốt, ớn lạnh, đau nhức. Vợ anh nghi ngờ chồng bị Covid-19 nên cho test nhanh nhưng kết quả chỉ hiện một vạch (âm tính). 

Không yên tâm, anh đến một bệnh viện tư nhân ở TP.HCM để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm rRT-PCR ngày 1/4 cho thấy anh T. dương tính với SARS-CoV-2.

“Tôi tiêm 3 mũi vắc xin và đã hai lần bị Covid-19, cứ ngỡ thoát rồi. Không ngờ lần nhiễm này thực sự phờ phạc, khổ sở. Vài hôm sau, vợ tôi cũng có các triệu chứng tương tự như đau cổ, đau người, ngực như bị siết lại, khó thở. Cô ấy phải nằm nghiêng để thở rất tội nghiệp. Hai vợ chồng chủ động xin làm việc tại nhà để khỏi lây cho người khác. Nếu phải ra ngoài, tôi đeo khẩu trang rất kỹ. Sau mấy lần mắc Covid-19, cơ thể không chịu nổi nữa”, anh T. nói. 

Phờ phạc vì mắc Covid-19 lần 3
Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của anh N.V.T. Ảnh: NVCC.

Chị Phan Thị Hương (32 tuổi), nhân viên văn phòng tại quận 1 (TP.HCM), cho hay nhiều bạn bè của chị cũng đang sổ mũi, ho, mệt mỏi. Tuy nhiên, không ai có ý định test nhanh Covid-19 như khoảng một năm trước. 

“Thời tiết nắng nóng nên có thể mọi người bị cảm cúm. Ai từng bị Covid-19 rồi cũng thấy cơ thể ốm yếu, dễ bệnh tật, suy nhược nhưng không biết làm cách nào. Mọi người vẫn phải đi làm nên chúng tôi đeo khẩu trang ngay trong văn phòng”, chị Hương chia sẻ. Hầu hết bạn bè của chị Hương đều tiêm 3 mũi vắc xin và ít nhất một lần mắc Covid-19. 

Tương tự, anh Nguyễn Thanh Bình (40 tuổi, TP Thủ Đức) cũng có dấu hiệu sụt sịt sau chuyến công tác tại Hà Nội. “Đọc báo thấy Hà Nội tăng ca Covid-19 nên tôi cũng định test thử. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, nếu mắc Covid-19 cũng sống chung với bệnh nên tôi đeo khẩu trang khi đi làm, công việc vẫn phải tiếp tục mà”, anh nói. 

Phờ phạc vì mắc Covid-19 lần 3 - 1
Với người già và người có bệnh nền, Covid-19 vẫn là mối đe dọa. Ảnh minh họa: Thanh Tùng.

Người già mắc Covid-19 cần đến bệnh viện

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, hiện tượng một đợt bệnh cảm cúm, bệnh hô hấp xen lẫn những ca mắc Covid-19 là bình thường. Bên cạnh đó, Covid-19 là bệnh lưu hành nên không thể hết hoàn toàn ca nhiễm. 

“Vấn đề là ca mắc Covid-19 có tạo gánh nặng về điều trị, đòi hỏi phải cấp cứu hay có ca tử vong hay không? Theo tôi, chúng ta không cần thiết phải lo lắng hay tính đến chuyện giãn cách, cách ly gì cả”, ông nói.

Theo bác sĩ Khanh, những đợt nghỉ lễ trong năm qua, nhiều người cũng lo lắng về nguy cơ Covid-19 lây nhiễm mạnh và bùng phát thành dịch, nhưng thực tế đều không xảy ra. Tuy nhiên, thời điểm này, ngành y tế vẫn cần cảnh báo để người dân nâng cao cảnh giác, khuyến cáo đeo khẩu trang khi có thể.

Ông cũng nhấn mạnh với người già, người có bệnh nền, Covid-19 vẫn có thể gây nguy hiểm. Khi những người này nhiễm SARS-CoV-2 cần phải đưa đến bệnh viện thay vì tự điều trị. Các thành viên trong gia đình cần bảo vệ người già, người bệnh nền bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay, tránh mang nguồn lây từ bên ngoài về nhà. Đặc biệt, người lớn tuổi cần chủ động phòng bệnh bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người. 

Về việc liệu tình trạng tái nhiễm này có liên quan đến sự xuất hiện của biến chủng mới hay không, bác sĩ Khanh khẳng định kể từ khi ghi nhận biến chủng Omicron đến nay, thế giới chưa xuất hiện thêm biến chủng mới của SARS-CoV-2 mà chỉ có các nhánh phụ của Omicron. Các nhánh phụ này khác nhau về độ lây lan, không khác về độc lực. Bên cạnh đó, miễn dịch cộng đồng với Covid-19 ở TP.HCM hiện rất cao.

Tại TP.HCM, sáng 12/4, theo thông tin từ một số bệnh viện nhi, các bác sĩ không ghi nhận có trẻ mắc Covid-19 phải điều trị. Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi thường tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng của các tỉnh thành phía Nam, cũng không có ca nhiễm nào.

Ca mắc mới tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, ngày 11/4, nước ta ghi nhận thêm 183 ca mắc Covid-19. So với ngày 10/4, số ca mắc mới tăng hơn 60%. Đây cũng là số lượng người mắc mới trong ngày cao nhất cao nhất kể từ đầu năm đến nay. 

Số ca mắc có xu hướng tăng trở lại bắt đầu từ ngày 3/4 (40 ca), sau đó tăng gấp đôi vào ngày 7/4 và vượt ngưỡng 100 vào ngày 8/4 (122 ca).

Trước đó, kể từ đầu năm nay đến cuối tháng 3, số ca mắc mới dao động ở mức thấp, dưới mức 100 ca/ngày. Thậm chí, một số thời điểm, số ca mắc dưới mức 10 ca/ngày.

Theo Linh Giao (VietNamNet)