Trẻ hoá bệnh
TS Phạm Văn Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện K trung ương cho biết hiện ung thư đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến hàng thứ 5 ở Việt Nam. Trước đây, những người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 thì giờ đây căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa.
Theo TS Bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng, đặc biệt có những bệnh nhân phẫu thuật ung thư đại trực tràng khi 12,13 tuổi…
Trong khi đó, ThS BS. Phạm Công Khánh, Phó trưởng Khoa Nội soi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết hiện nay 55% bệnh nhân ung thư đại trực tràng được chẩn đoán ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
Điều đó cho thấy việc phẫu thuật chưa đủ bệnh nhân phải sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau. Đặc biệt nếu ung thư trực tràng thì ở giai đoạn muộn điều trị hoá trị, xạ trị sẽ ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của người bệnh, chất lượng cuộc sống cực kỳ kém chất lượng.
Nguyên nhân của bệnh
Theo TS Bình, ung thư đại trực tràng liên hệ mật thiết với chế độ ăn uống. Hiện nay người Việt đang theo lối sống công nghiệp, thích ăn thực phẩm chế biến sẵn là tác nhân gây bệnh.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng một chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng.
Bằng chứng là 57% người trưởng thành tại nước ta ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của WHO, trong khi lại ăn nhiều thịt; một nửa nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại; béo phì tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên 17,5% năm 2015; Việt Nam nằm trong top 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới...
Ngoài lối sống, ung thư đại trực tràng có liên quan đến yếu tố tuổi tác và di truyền, tuy nhiên số ca liên quan đến di truyền chỉ chiếm 3-5%.
Dấu hiệu ung thư đại trực tràng, theo TS Bình ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với nhiều bệnh lý đường tiêu hoá khác. Tuy nhiên khi có những triệu chứng sau, cần đặc biệt lưu ý đến ung thư đại trực tràng:
Rối loạn tiêu hoá: Ban đầu có thể là ợ chua, sau là đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày trước hoặc sau khi ăn.
Táo bón: Nếu đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần nên chú ý theo dõi.
Đi ngoài phân nhỏ, phân dẹt: Có nguy cơ ruột gặp phải những vật cản như các khối u, polyp to khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi.
Đi ngoài ra máu: Đây là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nguyên do khối u trong lòng ruột gây chảy máu.
Giảm cân bất thường, mệt mỏi: Hầu hết các trường hợp mắc ung thư đều có dấu hiệu giảm cân nhanh và nhiều trong thời gian ngắn dù không ăn kiêng hay tập luyện gì gắng sức.
TS Bình cho biết dấu hiệu ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý đường tiêu hóa khác, do đó phần lớn bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở nước ta được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, chủ yếu là giai đoạn 3-4 nên điều trị gặp nhiều hạn chế; nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới trên 90%.
Tầm soát bệnh, ThS BS. Phạm Công Khánh việc tầm soát ung thư đại trực tràng là vô cùng cần thiết. Các nghiên cứu cho thấy tại Châu Á ung thư đại trực tràng gia tăng khoảng 30 năm nay và bệnh có xu hướng trẻ hoá. Vì vậy, các khuyến cáo mới cũng cho thấy việc tầm soát ung thư đại trực tràng cần thực hiện trẻ hơn 45 tuổi thay vì 50 tuổi như trước đây. Cách tốt nhất là nội soi đại trực tràng.
Việc tầm soát ung thư đại trực tràng có nhược điểm với người bệnh rất ít, ví dụ như các biến cố nội soi gây chảy máu hau thủng đại trực tràng khi nội soi nhưng tai biến này rất thấp và tăng theo độ tuổi người trên 75 tuổi tai biến này cao hơn nên người ta khuyến cáo ngừng tầm soát ung thư đại trực tràng cho người trên 75 tuổi.
Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng khác đó là thực hiện xét nghiệm phân hoặc chẩn đoán hình ảnh học để tầm soát bệnh. Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, thực hiện kỹ thuật DNA hoặc hoá miễn dịch phân để tầm soát ung thư đại trực tràng.Mục đích là giúp phát hiện sớm các tổn thương ở đại trực tràng cho người bệnh.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)