Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết từ tháng 2/2017 đến tháng 2 năm nay bệnh viện tiếp nhận hơn 2.500 ca đột quỵ. Trong hai năm qua, 90% bệnh nhân được đưa đến bệnh viện bằng phương tiện công cộng.
"Việc di chuyển chậm, chưa được xử lý cấp cứu, không thông báo trước nhập viện nên 75% bệnh nhân đến được bệnh viện thì đã vượt quá thời gian vàng cứu chữa", bác sĩ Thắng chia sẻ. Về nguyên tắc, cứ mỗi 15 phút điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân đột quỵ giảm 4% nguy cơ tử vong, đồng nghĩa tăng 4% cơ hội sống sót.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới. Tỷ lệ tử vong do bệnh này gây ra tại nước ta vượt qua nhiều những bệnh lý hiểm nghèo khác như ung thư, tim mạch, tai nạn giao thông. Nguyên nhân hàng đầu là do người nhà bệnh nhân không nhận biết được triệu chứng để đưa đến viện sớm, hoặc khi biết triệu chứng thì đưa bệnh nhân đến không đúng bệnh viện.
Hiện cả nước có 40 cơ sở y tế có khả năng tiếp nhận cứu chữa được người đột quỵ. Tại TP HCM có 11 đơn vị, Hà Nội có 10 đơn vị, các tỉnh thành khác có 1-2 đơn vị hoặc không có. Từ tháng 4/2017, các bác sĩ Việt Nam được tăng cường đào tạo chuyên môn, tiến đến mục tiêu năm 2021 cả nước sẽ có 100 bệnh viện có đơn vị đột quỵ, giúp bệnh nhân được điều trị càng sớm càng tốt, tận dụng thời gian vàng để cứu sống người bệnh, giảm di chứng tàn phế.
Bệnh đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý do tổn thương mạch máu não đột ngột. Nguyên nhân có thể do sự tắc nghẽn mạch máu não làm ngừng trệ dòng máu lên nuôi não phía sau chỗ tắc, hoặc do vỡ mạch máu trong não làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não, phá hủy và chèn ép mô não. Hậu quả làm phần não có liên quan bị tổn thương, không thể hoạt động được, dẫn đến phần của cơ thể mà phần não đó kiểm soát cũng không thể hoạt động.
Theo Tổ chức Đột quỵ Châu Âu, cứ mỗi 30 phút lại có một bệnh nhân đột quỵ đáng lẽ có thể được cứu sống lại phải chết hoặc tàn phế vĩnh viễn. Nguyên nhân do phần lớn người thân không nhận biết được dấu hiệu của bệnh để đưa bệnh nhân đến đúng bệnh viện chuyên khoa điều trị đột quỵ sớm trong khoảng giờ vàng.
Theo bác sĩ Thắng, để có thể cứu chữa bệnh nhân đột quỵ tốt nhất, cần chẩn đoán đột quỵ đúng và sớm, tìm được bệnh viện có đơn vị điều trị đột quỵ, có được phương tiện vận chuyển bệnh nhân đột quỵ đúng cách và báo trước cho bệnh viện để chuẩn bị đón bệnh nhân.
Khi phát hiện người đột quỵ, người xung quanh cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không thực hiện các hành động xử lý không đúng cách như cạo gió, giật tóc, nặn chanh vào miệng... Những việc làm này hoàn toàn không có lợi và chậm thời gian cấp cứu.
Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
- Đột ngột yếu, tê hay liệt mặt tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể.
- Không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ.
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt.
- Đột ngột nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động, đặc biệt chóng mặt đi kèm với bất kỳ các triệu chứng trên.
Theo Lê Phương (VnExpress.net)