Phân biệt nghi nhiễm và nhiễm virus Corona như thế nào?

05/02/2020 13:57:15

Người nghi nhiễm virus Corona khi sốt hoặc có triệu chứng viêm hô hấp, từng tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người từ vùng dịch còn người nhiễm là khi xét nghiệm dương tính.

Bộ Y tế cho biết theo báo cáo ở bệnh nhân nhiễm virus Corona từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh.

Tới khi khởi phát, nCOV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Còn trường hợp nghi nhiễm nCoV là người sốt hoặc có các triệu chứng viêm hô hấp, khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân hay người đi về từ vùng dịch.

Phân biệt nghi nhiễm và nhiễm virus Corona như thế nào?
Các ca bệnh hoặc nghi nhiễm nCoV đều phải được khám và điều trị cách ly tại bệnh viện.

Các ca bệnh hoặc nghi nhiễm nCoV đều phải được khám và điều trị cách ly tại bệnh viện. Cách ly là một trong các biện pháp thực hiện để kiểm soát nhiễm trùng, ngăn ngừa bệnh lây truyền đến người khác. Có nhiều hình thức cách ly, như thay đổi thủ tục tiếp xúc, đưa bệnh nhân cách ly xa người khác, dùng các vật dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (áo choàng, khẩu trang, găng tay). Các phòng cách ly chuyên dụng có thể được xây dựng sẵn trong bệnh viện hoặc các đơn vị cách ly dã chiến trong trường hợp khẩn cấp có dịch bệnh bùng phát.

Sau khi nghi nhiễm, thực hiện cách ly, bệnh nhân được bác sĩ lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Viêm phổi do nCoV được xét nghiệm chẩn đoán bằng kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp.

Các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mắc nCoV sẽ được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với các tỉnh khu vực phía Bắc; Viện Pasteur Nha Trang đối với các tỉnh khu vực miền Trung; Viện Pasteur TP.HCM đối với các tỉnh khu vực phía Nam. Nếu kết quả dương tính nCoV, bệnh nhân được coi là nhiễm nCoV.

Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nhân nhiễm nCoV chủ yếu được điều trị triệu chứng, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác nếu có. Người bệnh chỉ được xuất viện khi hết sốt ít nhất 3 ngày, toàn trạng tốt như mạch, huyết áp, các xét nghiệm máu bình thường, X-quang phổi cải thiện, chức năng thận trở về bình thường.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hưng - Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Viện Nghiên cứu Tế bào gốc & công nghệ gen Vinmec khuyến cáo cách giữ gìn vệ sinh và chăm sóc trong trường hợp có người nghi nhiễm tại nhà, bạn cần:

- Chắc chắn rằng mình hiểu và có thể giúp người bệnh tuân theo các hướng dẫn của nhân viên y tế. Bạn cần giúp đỡ người bệnh các nhu cầu cơ bản trong nhà và hỗ trợ nhận hàng tạp hóa, đơn thuốc cũng như các nhu cầu cá nhân khác.

- Chỉ những người thật sự cần thiết cho việc chăm sóc người bệnh nên ở trong nhà.

- Các thành viên khác trong gia đình nên ở nơi khác. Nếu điều này là không thể, họ cần ở trong một phòng khác, hoặc tách biệt với người bệnh càng nhiều càng tốt. Sử dụng một phòng tắm riêng, nếu có.

- Hạn chế những khách không thực sự cần thiết tới nhà.

- Giữ người già và người bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh mãn tính cách xa người bệnh.

- Đảm bảo thông khí tốt cho các không gian chung trong nhà, ví dụ bằng máy điều hòa không khí hoặc mở cửa sổ khi điều kiện thời tiết cho phép.

- Rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Nếu không có xà phòng và nước, bạn có thể sử dụng nước rửa tay chứa cồn với hàm lượng ít nhất 60%. Tránh dùng tay không rửa sạch để chạm vào mắt, mũi và miệng.

- Đeo khẩu trang, mặc áo choàng và đi găng tay dùng một lần khi bạn chạm hoặc tiếp xúc với một trong những nguyên liệu sau của người bệnh: máu, dịch cơ thể và/hoặc dịch tiết, như mồ hôi, nước bọt, đờm, nước mũi, nôn, nước tiểu hoặc phân.

- Vứt bỏ khẩu trang, áo choàng và găng tay dùng một lần sau khi sử dụng. Cám tái sử dụng.

- Rửa tay ngay sau khi tháo khẩu trang, áo choàng và găng tay.

- Tránh dùng chung đồ gia dụng. Bạn không được dùng chung bát đĩa, ly uống nước, cốc, dụng cụ ăn uống, khăn tắm, bộ đồ giường hoặc các vật dụng khác với người bệnh. Sau khi người bệnh sử dụng những vật dụng này, bạn phải rửa/giặt chúng thật kỹ.

- Lau sạch tất cả các bề mặt hay sờ vào, như quầy tính tiền, mặt bàn, tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, điện thoại, bàn phím, máy tính bảng và tủ đầu giường mỗi ngày. Ngoài ra, làm sạch bất kỳ bề mặt nào có thể có máu, dịch cơ thể và/hoặc dịch tiết hoặc bài tiết trên chúng.

- Giặt đồ thật kỹ.

- Ngay lập tức thu và giặt quần áo hoặc khăn trải giường có máu, dịch thể và/hoặc dịch tiết hoặc bài tiết trên chúng.

- Đi găng tay dùng một lần trong khi xử lý đồ bẩn. Rửa tay ngay sau khi tháo găng tay.

- Đọc và làm theo hướng dẫn ghi trên nhãn của bột giặt và chất tẩy quần áo. Nói chung, giặt và sấy khô với nhiệt độ cao nhất ghi trên nhãn quần áo.

- Đặt tất cả găng tay dùng một lần, áo choàng, khẩu trang và các vật dụng bẩn khác vào thùng chứa lót nilon trước khi xử lý chúng với chất thải gia đình khác. Rửa tay ngay sau khi làm việc này.

- Theo dõi triệu chứng người bệnh. Nếu người bệnh chuyển biến xấu hơn, hãy gọi cho cơ sở y tế để thông báo rằng người bệnh bị nhiễm hoặc nghi nhiễm 2019-nCoV. Điều này sẽ giúp cơ sở y tế chuẩn bị trước nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.

- Những người chăm sóc và các thành viên trong gia đình không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc gần với nghi nhiễm hoặc bị nhiễm 2019-nCoV, được coi là “người tiếp xúc gần” và phải được theo dõi sức khỏe.

Theo Phong Vân (Nguoiduatin.vn)