Vợ tráo mẫu khi chồng mang con đi xét nghiệm ADN
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm công nghệ di truyền và xét nghiệm ADN, Hà Nội chia sẻ lượng khách tìm tới làm xét nghiệm ADN phổ biến nhất vẫn là giám định huyết thống cha - con. Nhiều chuyện dở khóc, dở cười đằng sau cánh cửa phòng xét nghiệm.
Bà Nga từng tiếp nhận cô gái trẻ cùng chồng tới đăng ký làm giám định ADN. Mẫu kết quả là tóc và móng. Các giám định viên nhận mẫu. Tuy nhiên, khi chạy lên máy kết quả hoàn toàn bất ngờ. Hai mẫu trùng nhau cùng một người. Người vợ tìm tới trung tâm trước khi nhận kết quả, bà Nga đưa tờ giám định và giải thích mẫu trùng. Tuy nhiên, người phụ nữ quả quyết cho rằng hai mẫu khác nhau. Các giám định viên đưa ra bằng chứng xác thực nên người phụ nữ đành thừa nhận cô đã tráo mẫu.
Người phụ nữ khóc lóc, van xin và liên tục muốn thay đổi kết quả. Người phụ nữ này và chồng kết hôn được 6 năm, có một cô con gái. Tuy nhiên, gần đây người vợ bị vỡ nợ do chơi “đỏ đen” nên chồng đòi ly hôn và nuôi con gái. Trong lúc nóng giận, người vợ đã thách thức và cho rằng đó không phải con của anh ta. Người chồng mang mẫu của con đi giám định ADN. Sợ kết quả bại lộ, cô vợ đã đổi mẫu và tin rằng hai mẫu này chắc chắn là cùng huyết thống. Cô không ngờ rằng hành vi của mình lại bị bóc trần.
Bà Nga khẳng định dù khách hàng có tìm đủ mọi lý do để xin thay đổi kết quả cũng không có tác dụng. Đặc biệt, nhiều người cho rằng đổi mẫu sẽ có kết quả giống nhưng họ quên rằng quy trình giải mã đều không có sự can thiệp của bàn tay con người.
Khi người chồng tới lấy kết quả và biết được việc làm của vợ, anh không bất ngờ và quyết định không xét nghiệm thêm lần nữa. Anh nói rằng dù có cùng huyết thống hay không anh vẫn nuôi cháu bé. Anh đi xét nghiệm ADN để cho vợ một bài học. Người đàn ông này chia sẻ: "Nuôi con 5 năm, tình thân vượt qua giới hạn của kết quả xét nghiệm ADN".
Giám định ADN là phương pháp chính xác nhất hiện nay để xác định huyết thống giữa con và bố (mẹ) nghi vấn (tỷ lệ chính xác lên tới 99,999% hoặc hơn tùy vào số gene làm xét nghiệm. Trường hợp xét nghiệm từ 18-24 locut trở lên, tỷ lệ chính xác vào khoảng 99,99999999%.
ADN chỉ nói lên sự thật
Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, nguyên Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, cho biết lịch sử ra đời của ADN từ năm 1985 tại nước Anh. Tác giả là Alec Jeffreys làm việc tại trường Đại học tổng hợp Leicester. Khi ông nghiên cứu về gene mã hóa protein người Myoglobin thì phát hiện ra ADN người có đoạn lặp đi lặp lại không giống nhau ở những người khác nhau. Ông coi đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt người này với người khác. Ngay lập tức nó được ứng dụng trong điều tra tội phạm. Trước đây, người ta cũng làm huyết thống nhưng chỉ làm trên nhóm máu. Và độ phân biệt không cao, chỉ có thể loại trừ.
Cũng khoảng trong thời gian đó, một sự trùng hợp ngẫu nhiên khác là Kary Mullis phát hiện ra phản ứng nhân gene (PCR). Với phản ứng này, từ lượng ADN rất ít ban đầu sẽ được khuyêch đại lên hàng triệu bản sao nên rất thuận lợi cho các nghiên cứu về ADN. Phát minh này được xem như là chiếc chìa khóa "mở tung thế giới sinh học phân tử".
Các nghiên cứu ứng dụng trong điều tra tội phạm, đầu tiên phải kể đến nước Anh, sau đó là Cục điều tra liên bang Mỹ vào năm 1988 và dần dần mở ra các nước khác trên thế giới.
Ca đầu tiên giải quyết là tìm kẻ giiết người bằng ADN là tại nước Anh vào năm 1986. Hai nữ sinh ở độ 16-17 tuổi bị giết, hiếp với cùng thủ đoạn ở hai thời điểm khác nhau, người ta đã tìm ra dấu vết ADN của thủ phạm từ cơ thể của hai nạn nhân chính là của ông thợ làm bánh mì Pitfork.
Tháng 4/1999, tại Việt Nam, ADN hình sự bắt đầu ra đời và phát triển, chủ yếu phục vụ điều tra phá án, xét xử, phục vụ hệ thống tòa án và các tổ chức xã hội. Theo ông Khanh, hiện nay, tại Việt Nam, nhiều đơn vị đã triển khai xét nghiệm ADN. Người dân vẫn coi đây là “chìa khóa” giải mã những bức xúc, sự hoài nghi trong xã hội, gia đình.
Nhiều người cho rằng ADN ra đời là nguyên nhân gây đổ vỡ hạnh phúc của hàng nghìn gia đình. Cầm tờ kết quả xét nghiệm ADN, số gia đình giữ lại được hạnh phúc rất hiếm hoi. Ông Khanh cho biết thực tế khi các gia đình đã nhờ đến ADN để phân giải hoài nghi dù kết quả cùng huyết thống hay khác huyết thống thì niềm tin, tình yêu cũng không còn như trước. Ông Khanh gặp nhiều trường hợp xét nghiệm ADN dù có cùng huyết thống nhưng họ vẫn ly hôn. Như vậy, lỗi không phải ở ADN, nó chỉ nói lên sự thật.
Theo vị chuyên gia này, những mẫu được dùng để xét nghiệm AND khá đa dạng có thể là máu, tế bào niêm mạc miệng, bàn chải đánh răng, móng tay chân, tóc có chân.
Mỗi ngày, ông Khanh nhận khoảng vài chục mẫu xét nghiệm di truyền huyết thống. Đa số đều giám định huyết thống cha - con. Nhiều người cũng tìm cách đề nghị thay đổi kết quả vì những mục đích khác nhau. Thậm chí, họ có thể chi với số tiền rất lớn. Tuy nhiên, họ đều nhận được cái lắc đầu. Vị chuyên gia này cho rằng một tờ xét nghiệm kết quả ADN có thể ảnh hưởng tới gia đình, cuộc sống của một người nhưng khoa học sự thật thì khó thay đổi.
Theo Phương Thúy (VietNamNet)