Càng lâm vào khó khăn, vợ chồng càng phải yêu thương và sát cánh bên nhau, có như vậy tình nghĩa vợ chồng mới bền chặt, đong đầy. Tiếc thay nhiều người lại không hiểu thấu được điều đó. Trong lúc chật vật, nghèo khó thì người đầu gối tay ấp bên cạnh lại trở thành đối tượng để họ trút căm hờn, oán trách.
Oanh (31 tuổi) chia sẻ cô và Huy kết hôn được 4 năm, có với nhau một bé trai đầu lòng hơn 2 tuổi. "Khi trước mang bầu tôi vẫn đi làm đến gần sinh, sau sinh lại nhanh chóng trở lại với công việc, mong kiếm tiền cùng chồng chia sẻ gánh nặng kinh tế. Thời điểm đó dù lương của hai vợ chồng không cao nhưng gộp lại thì cũng tạm ổn để chi tiêu", Oanh kể.
Oanh bị mất việc từ đầu năm nay do tình hình dịch bệnh. Không thuê người trông con nữa, cô ở nhà nội trợ và chăm bé, kinh tế trong nhà mình Huy gánh vác. Lương của Huy 11 triệu, lúc trước Oanh đi làm thu nhập 9 triệu/tháng, hiện tại cả nhà 3 người trông vào đồng lương của Huy nên kinh tế rất eo hẹp. Chưa nói mỗi tháng Huy đều đặn gửi về quê cho bố mẹ 2 triệu, bản thân anh thì giữ lại 2 - 3 triệu chi dùng cá nhân.
Với số tiền Huy đưa, vừa trả tiền thuê nhà vừa mua đồ ăn thức uống trong một tháng, Oanh đã phải cân đo đong đếm rất khổ sở.
"2 tháng đầu liên tục thiếu tiền, chồng tôi khó chịu ra mặt, mắng vợ không biết tính toán, chỉ giỏi tiêu hoang. Sau đó chồng tôi nghĩ ra một cách, đó là ngày nào cũng bắt tôi phải báo cáo tiền chợ trong ngày, khoản chi nào không hợp lý theo ý anh ấy thì tôi phải thay đổi ngay", Oanh chia sẻ.
Cô nói trước đây Huy không phải người chi li từng đồng như vậy, có lẽ áp lực tiền bạc khiến tính cách của anh thay đổi. Hiểu và thông cảm cho chồng, dẫu trong lòng cũng rất ấm ức, khó chịu nhưng Oanh luôn nín nhịn để nhà cửa được yên ấm.
Không ngờ Huy càng được đà lấn tới, thậm chí đồ ăn cho con mà Huy cũng muốn vợ tiết kiệm, cắt xén bớt. Oanh không đồng ý vì người lớn có thể tiết kiệm, trẻ con đang tuổi lớn cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Huy lại cho rằng trẻ em thời xưa thậm chí chỉ ăn cơm trắng mà vẫn lớn nhanh, khỏe mạnh.
Cô chia sẻ: "Chồng tôi về nhà thì bắt vợ dè sẻn từng đồng nhưng các khoản chi tiêu cá nhân của anh ấy vẫn không mấy thay đổi, mỗi tháng tính ra gần bằng tiền ăn của cả nhà rồi. Tôi so sánh và chồng gắt gỏng bảo tôi ở nhà không phải đi làm thì đừng tị nạnh, kiếm tiền mệt mỏi phải được nghỉ ngơi, giải trí".
Thu nhập có hạn khiến Huy trở nên nhạy cảm quá mức với sự lãng phí. Chỉ cần thấy vợ bỏ thừa chút đồ ăn hay để phí thứ gì mua về là anh lập tức răn dạy Oanh đến nơi đến chốn. Mỗi bữa ăn Oanh phải cân đo để nấu sao cho không được thừa cơm, những thứ khác cũng tương tự.
Hôm đó con trai Oanh ốm, tối đến ăn cơm xong cô dỗ bé đi ngủ sớm. Oanh cũng nằm ngủ luôn, sợ nửa đêm con tỉnh dậy còn lấy sức chăm bé. Oanh vừa chợp mắt được một lát thì Huy hùng hổ lao vào giường gọi vợ dậy. Cô hốt hoảng tưởng có chuyện gì nghiêm trọng, ai ngờ là do cô để quên bát cơm thừa trong bữa tối chưa để vào tủ lạnh. Huy tức giận nghĩ vợ làm lãng phí đồ ăn nên gọi cô dậy mắng, bất chấp việc Oanh đã ngủ rồi. Chưa nói hành động đặt bát cơm vào tủ lạnh cũng quá đơn giản, anh hoàn toàn có thể làm được.
"Để tôi còn thấy một lần nữa thì đừng trách!", Huy gằn từng tiếng, ném vào vợ sự phẫn nộ, hằn học mà nguyên nhân chỉ đến từ 1 bát cơm nguội. Oanh lặng người không thể tin nổi, cô chẳng còn sức lực để nói hay làm gì đáp lại chồng. Cả đêm ấy Oanh thức trắng, sáng ra cô gọi điện cho mẹ, tâm sự với bà mọi chuyện. "Về đây với bố mẹ con ơi, có rau ăn rau có cháo ăn cháo, sao phải khổ thế...", mẹ Oanh vội vã thốt lên.
"Chiều ấy đi làm về chồng tôi không thấy vợ con nên gọi điện mắng, trách tôi đi đâu không ở nhà nấu cơm, dọn dẹp. Tôi bảo tôi về quê rồi và muốn ly thân, chuyện ly hôn đợi thêm một thời gian nữa sẽ tính. Sau đó mấy hôm, anh ấy dịu giọng gọi vợ con về nhưng ý tôi đã quyết. Nhớ lại chuyện bát cơm nguội ấy mà tôi vẫn còn bị ám ảnh. Tôi tự hỏi với người đàn ông như thế, tôi có thể trông mong gì ở chặng đường phía trước? Vợ chồng không phải là có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu hay sao? Đối xử với chính người phụ nữ bên cạnh mình cay nghiệt nhường ấy chỉ vì 1 bát cơm nguội liệu có đáng?", người phụ nữ này bày tỏ.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)