Vẫn còn không ít người chồng coi thường, khinh rẻ khi vợ ở nhà trông con chẳng làm ra tiền. Chính từ tâm lý ấy mà họ đối xử với vợ đầy cay nghiệt và khắt khe, khiến cho đối phương phải “vùng lên”. Để rồi người hối hận sau cùng lại là chính là họ.
Chồng coi thường đến tận cùng khi vợ ở nhà trông con
Hòa (28 tuổi) chia sẻ sau 4 tháng kết hôn với Quý thì cô mang thai. Nhưng bất hạnh thay cô bị sảy thai khi được 10 tuần. “Nửa năm sau tôi có bầu lại. Chính bởi nỗi ám ảnh mất con khi trước mà tôi quyết định nghỉ làm ở nhà dưỡng thai. Thu nhập của chồng vẫn đủ lo cho cả gia đình, tôi định nghỉ làm khoảng 2 năm”, Hòa nói.
Mang thai đến tuần thứ 12, Hòa bị ra máu động thai, may mắn cô đến bệnh viện kịp thời nên giữ lại được con. Biết cơ địa của bản thân rất yếu, cô thầm thở phào nhẹ nhõm vì quyết định nghỉ làm khi trước. Tuy nhiên cô cũng dần nhận ra sự khó chịu và bất mãn của Quý khi mình anh phải cáng đáng cả gia đình.
Hòa hiểu dù thu nhập không đến nỗi nào nhưng là trụ cột kinh tế vẫn khiến Quý chịu áp lực. Do vậy cô luôn chú ý tiết kiệm chi tiêu, chỉ mua những thứ cần thiết cho con, bản thân cô gần như không sắm sửa gì cả. “Nhiều khi chồng nói lời khó nghe nhưng tôi vẫn luôn cố gắng thông cảm và nhẫn nhịn”, Hòa kể.
Hòa vừa sinh con được 3 tháng, Quý đã nhắc đến chuyện đi làm lại khiến cô rất bất ngờ. Vợ chồng cô không nhờ được bố mẹ hai bên, nếu Hòa đi làm thì phải thuê người ngoài chăm bé. Đã từng bị sảy thai, lần này mang bầu cũng không dễ dàng nên Hòa chẳng đành lòng bỏ con mới vài tháng tuổi cho người lạ. Thu nhập của Quý vẫn ổn định, không hiểu vì lý do gì mà anh khăng khăng bắt vợ phải đi làm lại khi con chưa đầy nửa năm.
“Tôi không nghe theo, anh ta tức giận mắng tôi thích ăn bám, dựa dẫm, lười biếng, không chịu lao động, vin vào cái cớ chăm con để ỷ lại, dồn mọi gánh nặng cho anh ta…”, Hòa nói.
Cũng từ ấy cuộc sống của Hòa vô cùng ngột ngạt và tủi nhục vì sự khinh rẻ từ chồng. Cho rằng vợ ở nhà ăn bám, Quý luôn tìm cách hoạnh họe, chỉ trích và bắt bẻ vợ đủ điều.
Hòa thương con nên nín nhịn tất cả cho nhà cửa yên ấm. Cô quyết định khi cai sữa con sẽ đi làm lại, bé hay ốm nên cô không đành lòng gửi con đến nhà trẻ khi vẫn còn bú mẹ.
Bị đuổi ra ngoài giữa đêm và sự vùng lên của người vợ
Thời điểm ấy con gái Hòa vừa tròn 10 tháng tuổi. Đêm ấy bé bị ốm nên quấy khóc chưa chịu ngủ. Gần 22 giờ Quý mới về đến nhà, trên người mang theo men rượu.
“Anh ta ngủ ở phòng làm việc ngay từ khi tôi sinh con. Khi tôi đang dỗ con thì anh ta lao sang lớn tiếng chỉ tay đuổi tôi ra khỏi nhà. Anh ta bắt vợ bế con ra hành lang, dỗ bé nín khóc mới được vào nhà để khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ của mình”, Hòa kể.
Sáng hôm sau là cuối tuần nên Quý dậy khá muộn. Không thấy vợ con đâu, anh cho rằng Hòa bế con cùng đi chợ. Vào bếp, Quý phát hiện mâm cơm không có đồ ăn sáng, thay vào đó là 2 món đồ khiến anh sững sờ. Chúng bao gồm 1 lá đơn ly hôn Hòa đã ký tên, ngoài ra còn có 1 tờ giấy là những dòng chữ do chính Quý viết khi 2 người đang yêu nhau. Hòa đã xếp đồ của 2 mẹ con và rời đi từ bao giờ.
“Cảm ơn người anh yêu, anh sẽ ghi nhớ ân tình này không bao giờ quên”, khi ấy Quý làm ăn thua lỗ, mắc nợ số tiền lên đến mấy trăm triệu đồng. Hòa không ngần ngại đi vay tiền khắp nơi giúp bạn trai. Sau sự việc ấy Quý phần vì xấu hổ, phần bởi sự hiếu thắng, anh nỗ lực phấn đấu ngày đêm và có được vị trí công việc như hiện tại. Tuy nhiên anh lại sớm quên mất ân tình khi ấy, cho rằng trả lại tiền đầy đủ cho Hòa là hết nợ.
“Có người chỉ nhận lại chứ không thể trao đi, có thể bên nhau khi vui vẻ, giàu sang chứ chẳng thể cùng chung hoạn nạn…”, Hòa tâm sự. Sau đó một thời gian, Quý có đến xin lỗi làm lành nhưng Hòa từ chối quay về. Tổn thương trong lòng cô đã quá lớn, thật khó có thể xóa nhòa được.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)