Một trong những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng mái ấm gia đình chính là vợ chồng bình đẳng, nội ngoại hai bên chăm sóc như nhau. Kém may mắn lấy phải người chồng vô tâm, cư xử thiếu công bằng với gia đình nhà ngoại, một người vợ trẻ đã vào mạng xã hội chia sẻ câu chuyện hôn nhân của mình.
Chuyện gia đình cô như sau: "Sau cưới, vợ chồng em được bên nội cho một căn chung cư cũ nên chuyện nhà cửa không phải lo. Tuy nhiên đây cũng chính là vấn đề khiến em vô cùng mệt mỏi.
Bố mẹ chồng em có điều kiện, bố anh ấy làm cán bộ mới nghỉ hưu, mẹ anh kinh doanh có một cửa hàng hoa quả to nhất phố. Tính ông bà thoải mái, được họ cho nhà như thế thực lòng em cảm kích, biết ơn vô cùng. Có điều cũng vì nhà nội điều kiện kinh tế hơn nhà ngoại mà sống với chồng lúc nào em cũng bị anh ấy tạo áp lực. Cứ thi thoảng bố mẹ chồng sang cho đồ hoặc cho con em tiền bỉm sữa là anh ấy lại bóng gió bảo: 'Đấy, xem ông bà nội thương con thương cháu thế chứ ông bà ngoại có để ý, quan tâm gì''.
Mệt mỏi khi sống bên người chồng vô tâm, thiếu tôn trọng nhà ngoại như vậy song người vợ trẻ này vẫn nhẫn nhịn nhắc chồng không nên so sánh như thế. Bố mẹ nào cũng thương con nhưng còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện từng nhà.
Tiếc rằng chồng cô vẫn chẳng thay đổi lối suy nghĩ nên mâu thuẫn giữa họ ngày một nhân lên. "Đợt này vợ chồng em tính bán căn hộ cũ bên nội cho, xoay thêm tiền mua một căn rộng hơn, gần trung tâm thành phố để tiện đi lại. Bố mẹ chồng em lên tiếng cho thêm 500 triệu. Nhà ngoại em không có nhưng khi biết tin ông bà cũng chở nhau sang cho các con 20 triệu bảo là có chút động viên hai đứa.
Lúc ông bà đưa tiền, chồng em tỏ ra thờ ơ, không hề nói 1 lời cảm ơn với bố mẹ. Lúc ấy em bực lắm nhưng trước mặt bố mẹ em không dám nói gì. Thế mà khi ông bà về, em còn chưa kịp nói về thái độ của chồng, anh ấy đã cầm cọc tiền bố mẹ vợ đưa, ném phịch xuống bàn bảo: 'Mai cô cầm trả lại cho bố mẹ cô. Con gái mua nhà mang cho được 20 triệu, tôi nhận để mang tiếng à''.
Cách hành xử có phần quá tính toán, nặng về vật chất của người chồng khiến vợ anh ức chế. Bao nhiêu uất ức kìm nén trong lòng như bị bộc phát, người vợ không nhẫn nhịn được hơn đã cầm lại cọc tiền của bố mẹ cho, đáp lại chồng: 'Tôi sẽ mang trả lại số tiền này cho bố mẹ tôi. Nói thẳng ra, bố mẹ tôi không có trách nhiệm phải cho chúng ta tiền, chẳng qua vì con vì cái, họ phải dành dụm từng đồng mang đưa cho anh. Vậy mà anh lại đối xử với họ như thế. Anh nghĩ đi, nếu sau này chúng ta cũng nghèo, cũng không có điều kiện rồi bị con rể coi thường nói rằng mình không thương con thì anh nghĩ gì'.
Nói xong em về phòng cầm tờ đơn ly hôn đã ký sẵn tên đặt mặt bàn lớn giọng tiếp: 'Ký đi, tôi thật sự quá mệt mỏi khi phải sống bên người chồng lúc nào cũng coi thường người sinh dưỡng vợ mình rồi'.
Nhìn tờ đơn ly hôn, chồng em ngây người vì không ngờ rằng lâu nay em vẫn giữ sẵn đơn ly hôn trong nhà. Điều đó đủ khiến anh ấy hiểu em chán ngán cách hành xử của chồng tới cỡ nào. Đêm thấy em ôm gối sang phòng con ngủ, anh cuống quýt giữ lại, xuống giọng xin lỗi mà em không buồn nói sao. Thật sự là em đã quá nản".
Cách cư xử thiếu công bằng của chồng đối với nhà ngoại chính là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng, rạn nứt hôn nhân.
Bởi điều phụ nữ cần nhất ở chồng là biết chăm lo cho nhà ngoại giống như họ đã tận tâm lo cho nhà nội. Một khi chồng không làm được điều đó, ngược lại còn tỏ thái độ coi thường, chắc chắn phụ nữ sẽ không cam tâm nhẫn nhịn mãi. Họ sẽ vùng lên, bất chấp tất cả giống như cô vợ trong câu chuyện trên.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)