Chiều ngày 2/2, Dân Trí dẫn thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, bé trai 18 tháng tuổi P.P.K. (trú xóm Đồng Bai, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) ngừng tim được TTYT huyện Nghĩa Đàn cấp cứu trước đó đã tử vong.
"Sau nhiều giờ điều trị hồi sức cấp cứu rất tích cực tại Bệnh viện Sản Nhi chúng tôi, tình trạng của bé quá nặng không còn khả năng cứu chữa. Cháu bé đã tử vong và được người nhà xin đưa về lo công tác hậu sự", một bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nói.
Trước đó, vào khoảng 9h30 ngày 31/1, cháu P.P.K. (18 tháng tuổi, trú xóm Đồng Bai, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn) chơi ở nhà với ông thì không may bị rơi xuống kênh nước sông Sào.
Bé K. sau đó đã bị nước cuốn trôi đi khoảng 500m. Khi người dân phát hiện và cứu vớt lên bờ thì cháu bé đã ngừng tim, ngừng thở. Người dân lập tức tiến hành sơ cứu và đưa cháu bé đến Trạm Y tế xã Nghĩa Hội để cấp cứu.
Khi nhận được thông tin, phía Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn lập tức cử tổ cấp cứu lưu động gồm 2 bác sĩ hồi sức cấp cứu và một điều dưỡng, cùng nhiều trang thiết bị y tế đến để cứu chữa cháu bé. Sau nhiều nỗ lực, cháu bé có dấu hiệu sinh tồn, tim bắt đầu đập trở lại.
Bé K. sau đó đã được chuyển gấp xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, sau nhiều giờ đồng hồ cấp cứu, cháu K. đã không qua khỏi.
Sáng ngày 2/2, TTYT huyện Nam Đàn thông tin với VietNamNet: “23h đêm 1/2, bé mở mắt, người nhà vào thăm. Nhưng sau đó, bé chuyến biến nặng và tử vong”. Lãnh đạo UBND xã Nghĩa Hội cho biết, ngày 2/2, thi thể bé K. đã được đưa về nhà, chờ an táng.
Chia sẻ về các biến chứng sau tai nạn đuối nước, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Trần Văn Cương, cho biết, theo như mô tả, bé K. ở dưới nước khá lâu, trôi quãng đường xa mới được cứu.
"Nạn nhân bị ngạt nước trong vòng 3-5 phút thì thời gian thiếu oxy não ít hơn. Trường hợp ngạt nước trên 5 phút, được hô hấp nhân tạo, tim, phổi hoạt động trở lại vẫn sẽ có những tổn thương não. Các tế bào não thiếu oxy quá lâu sẽ không thể hồi phục", bác sĩ Cương chia sẻ trên VietNamNet.
Ngoài ra, nạn nhân bị đuối nước lâu cũng có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, tổn thương phổi, rối loạn thân nhiệt, rối loạn điện giải, tổn thương nhiều cơ quan, bộ phận trên cơ thể.
Qua sự việc trên, chia sẻ với VnExpress, các bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần giám sát trẻ, cấm chơi gần bể bơi. Không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đồng thời đậy kín các vật chứa nước trong nhà. Trẻ cần học bơi và kỹ năng an toàn dưới nước càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, khi sơ cứu người đuối nước tuyệt đối không dốc ngược nạn nhân lên vai sẽ làm tăng nguy cơ hít sặc, tăng tỷ lệ tử vong và di chứng tổn thương não. Lúc này, bệnh nhân cần được hồi sinh tim phổi, thổi ngạt. Người sơ cứu thực hiện hà hơi thổi ngạt bằng cách hít một hơi thật sâu, ngậm miệng nạn nhân thổi một hơi thật mạnh, lặp lại hai lần.
Nếu nạn nhân không tỉnh sau hai lần thổi ngạt, cần hồi sinh tim phổi kết hợp ép tim và thổi ngạt. Cụ thể, đặt nạn nhân nằm ngửa trên bờ, đặt cườm tay lên giữa ngực ép mạnh xuống, tốc độ nhanh 100 đến 120 lần/phút. Cứ sau 30 lần ép tim ngoài lồng ngực, thổi ngạt hai lần. Có thể sốc điện nếu có nhịp nhanh thất, rung thất và máy phá rung sẵn có. Phải làm liên tục cho đến khi có đơn vị cấp cứu ngoại viện, nhân viên y tế đến hỗ trợ.
Ngoài ra, cần cởi bỏ quần áo ướt, làm ấm cơ thể nạn nhân, kiên trì cấp cứu cho đến khi bệnh nhân thở trở lại, tuần hoàn tái lập. Nếu có phương tiện vận chuyển như xe hơi thì trong lúc đến viện cần đặt trẻ nằm, tiếp tục ấn tim hà hơi thổi ngạt liên tục trên đường di chuyển, không được gián đoạn. Trường hợp nạn nhân đã tự thở, vẫn có nguy cơ suy hô hấp sau đó do nước đã vào phổi, do đó phải nhập viện kiểm tra.
PN (Nguoiduatin.vn)