Ngày 31/1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM xác nhận với VietNamNet, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nơi đây đã tiếp nhận cấp cứu một bé trai 3 tuổi bị đuối nước.
Theo thông tin ban đầu, bệnh nhi ở Bình Phước, được cha mẹ đưa đi chơi ở một quán cà phê cá Koi. Bé vui chơi tự do. Một lúc sau không thấy con, phụ huynh tìm kiếm mới phát hiện bé vừa được vớt lên từ hồ cá. Bé được sơ cứu và chuyển đến bệnh viện tỉnh nhưng đã ngưng tim ngưng thở, không xác định thời gian ngạt trong bao lâu.
Bé trai tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Tại đây, bác sĩ xác định trẻ viêm phổi nặng, không còn hô hấp tuần hoàn, được thở máy, dùng thuốc vận mạch, truyền kháng sinh... Mặc dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bé trai đã tử vong sau đó.
Trao đổi với Dân trí, ông Phan Thế Hải, Phó Trưởng Văn phòng đại diện tại TPHCM, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực trị liệu, giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ chia sẻ, sự việc trên là bài học không chỉ cho phụ huynh mà còn với cộng đồng.
Ông Hải nhận định, đuối nước là một tai nạn thường xảy ra đối với trẻ em, kể cả trẻ ở nông thôn lẫn thành phố. Trẻ biết bơi vẫn có thể bị đuối nước. Đặc biệt, không chỉ những hồ lớn, nước sâu mới là nơi có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ mà ngay những khu vực nước nông (như hồ cá cảnh) cũng tiềm tàng rủi ro đuối nước.
Ông Hải phân tích, khi trẻ bị té ngã ở những nơi nước nông thì dễ bị choáng, thậm chí bị ngất. Cảm giác đau sẽ khiến trẻ không thể đứng lên ngay. Chỉ một vũng nước nhỏ đủ che kín mặt trẻ, khiến trẻ không thở được là đã gây ra đuối nước.
Sau 2-4 phút không thở thì não bắt đầu chết và nạn nhân mất phản ứng. Từ đó làm hạn chế rất nhiều cho việc phát hiện và ứng cứu.
Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, chuyên gia khuyến cáo cần có nhiều việc phụ huynh và xã hội, cộng đồng phải thực hiện.
Đối với cha mẹ, luôn giám sát trẻ khi chơi ở gần khu vực có ao, hồ. Tuyệt đối không cho trẻ chơi ở gần khu vực có ao hồ mà không có sự giám sát và phải hướng dẫn cho trẻ hiểu về những mối nguy hiểm khi chơi với nước một mình
Trẻ cần được tập bơi sớm. Tùy tình trạng sức khỏe của trẻ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ tập bơi.
Phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ hiểu và tuân thủ về những biển báo nguy hiểm (nước sâu) hoặc nội quy ở nơi có nước (hồ bơi, ao, hồ,…). Khi sức khỏe của trẻ không tốt (sốt, chóng mặt, mệt mỏi, …) thì không nên cho trẻ chơi (bơi) với nước.
Ngoài ra, cha mẹ, người chăm sóc cần có kĩ cơ bản về xử lý sơ cấp cứu đuối nước.
Đối với các quán cà phê có hồ nước, cần phải có lan can đảm bảo an toàn cho trẻ. Chiều cao của lan can từ khoảng 1m đến 1,5m.
Nên có sự giám sát ở khu vực hồ nước (trực tiếp hoặc camera). Đối với camera có thể thiết lập chế độ phát hiện vật chuyển động ở khu vực mặt hồ, như vậy khi có sự cố người lọt xuống hồ thì camera sẽ cảnh báo, sự việc sẽ được phát hiện ngay, việc cứu hộ sẽ được tiến hành kịp thời.
Quán cà phê cũng phải đặt biển báo nguy hiểm hoặc cảnh báo phù hợp để nhắc nhở trẻ em và phụ huynh.
PN (Nguoiduatin.vn)