Những nguyên nhân khiến hệ miễn dịch suy giảm

25/09/2022 06:41:48

Hệ miễn dịch có thể tạo ra những kháng thể chống lại bệnh tật. Khi hệ thống bị suy giảm, cơ thể dễ bị nhiễm bệnh và đó có thể là do một trong số những nguyên nhân.

Thiếu chất xơ. Chất xơ ngoài các vai trò trong việc giảm cân, ngăn ngừa bệnh mạn tính, giảm viêm và cải thiện sức khỏe đường ruột còn giúp tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Bổ sung đầy đủ chất xơ mỗi ngày có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nguồn cung cấp dưỡng chất từ rau củ, quả cũng có thể giúp cơ thể tạo ra nhiều tế bào bạch cầu, là tiền đề để chống lại nhiễm trùng. Rau quả tươi và các loại hạt chứa nhiều kẽm, beta-carotene, vitamin A, C, E và các chất dinh dưỡng khác rất cần thiết trong việc hỗ trợ cơ thể khỏe mạnh.

Một người có tâm lý lo lắng, căng thẳng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch

Uống nhiều rượu. Rượu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống miễn dịch. Đây chính là mối nguy hiểm nhất đối với khả năng miễn dịch vì rượu có thể khiến cơ thể mất nước và viêm nhiễm. Uống đủ nước cũng là một cách khác để hỗ trợ hệ thống miễn dịch tốt hơn.

Hút thuốc lá. Hút thuốc lá khiến cơ thể suy yếu dần trong việc chống lại bệnh tật. Hút thuốc làm tổn hại đến trạng thái cân bằng của hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc một số rối loạn miễn dịch và tự miễn. Đây chính là nguyên nhân khiến hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào và mô khỏe mạnh của cơ thể gây ra các bệnh như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa cơ…

Ngủ không đủ giấc. Trung bình, người lớn cần ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ giúp cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi và tăng khả năng chống lại bệnh tật. Theo Hội Y học giấc ngủ Mỹ, ngủ đủ giấc giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, cho phép chức năng miễn dịch cân bằng và hiệu quả. Thiếu ngủ có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, điển hình là việc thiếu ngủ có thể khiến bạn dễ bị ốm hơn.

Lười vận động. Nghiên cứu của Mỹ cho thấy, béo phì và ít vận động có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, lối sống năng động, lành mạnh, chăm chỉ tập luyện có thể cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch.

Stress, căng thẳng. Căng thẳng mạn tính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, cụ thể là hệ miễn dịch. Một người có tâm lý lo lắng, căng thẳng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch trong thời gian khoảng 30 phút. Đây cũng là nguyên nhân khiến cơ thể trở nên yếu ớt trong việc chống lại bệnh cúm, mụn rộp, bệnh zona và các loại virus gây bệnh khác. Bổ sung thực phẩm giúp giảm căng thẳng như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau củ quả; tập thể dục thường xuyên; yoga, thiền… có thể giúp giảm căng thẳng stress.

Hít thở không khí ô nhiễm. Ô nhiễm không khí là một vấn nạn xảy ra cực kỳ phổ biến ở các thành phố lớn và dường như chúng ta đã quen với việc hít thở không khí ô nhiễm. Thế nhưng việc này lại ảnh hưởng cực xấu tới cơ thể. Hít phải khói xăng xe, bụi mịn, hóa chất,… khiến lá phổi của chúng ta bị nhiễm bẩn. Một lá phổi không khỏe mạnh rõ ràng làm hệ miễn dịch của bạn trở nên kém đi.

Mất cân bằng dinh dưỡng. Vitamin A, C và D, cũng như kẽm đều là những vitamin và khoáng chất quan trọng để hỗ trợ hệ miễn dịch phát triển. Probiotics và prebiotics vừa giúp bổ sung và hỗ trợ các vi khuẩn tốt trong đường ruột vừa giúp tăng khả năng miễn dịch. Thiếu những dưỡng chất này, cơ thể rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh.

Ăn uống không lành mạnh. Đồ ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chiên rán, các món ngọt và dầu mỡ đều là các món ăn nhiều người ưa chuộng. Nhưng các món ăn này cũng gây áp lực nặng nề lên gan và thận là các hệ bài tiết của cơ thể. Cơ thể không thải độc tố qua hệ bài tiết được cũng là nguyên nhân khiến miễn dịch kém đi.

Uống không đủ nước. Nước giúp thận lọc bỏ các yếu tố độc hại. Từ đó nâng cao sức đề kháng. Bởi vậy, bạn nên duy trì thói quen uống đủ lượng nước cần thiết, uống nước ngay cả khi không cảm thấy khát. Nên cung cấp nguồn nước tốt cho cơ thể như nguồn nước điện giải, nguồn nước giàu kiềm.

Thức quá khuya. Cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ thì hệ thống miễn dịch sẽ không thể nào tạo đủ lượng tế bào bạch cầu cần thiết để chống đỡ các vi khuẩn tấn công. Bạn nên tắt điện thoại, tắt TV và đi ngủ sớm, không thức quá khuya và mỗi đêm nên ngủ được tối thiểu là 5 tiếng.

Lạm dụng thuốc kháng sinh. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh mang lại nhiều hệ lụy, trong đó rõ ràng nhất là khiến cơ thể chúng ta yếu đi. Uống thuốc kháng sinh một cách quá lạm dụng khiến cơ thể giảm khả năng tự chống chịu với vi khuẩn, virus. Ngoài ra, kháng sinh còn dẫn đến giảm lượng cytokine - một hormone cần thiết cho hệ miễn dịch.

Theo Trúc Linh (An Ninh Thủ Đô)