1. Vòng giao tiếp hạn hẹp
Theo nghiên cứu, người có càng ít bạn bè thì càng dễ mắc bệnh. Thậm chí, tuổi thọ cũng bị ảnh hưởng. Ngược lại, người có nhiều hơn 6 người bạn có khả năng kháng lại virus cảm lạnh cao gấp 4 lần.
2. Hay nghĩ tiêu cực
Theo một số nghiên cứu, người có cuộc sống lạc quan, vui vẻ sẽ ít bệnh tật hơn hẳn so với những người sống trong trạng thái tâm lý tiêu cực. Người lạc quan luôn có tuổi thọ dài hơn những người bi quan. Lý do là bởi khi suy nghĩ tích cực, số lượng tế bào bạch cầu liên quan đến miễn dịch trong cơ thể sẽ tăng lên.
3. Căng thẳng quá mức
Đây là nguyên nhân hàng đầu làm suy giảm hệ miễn dịch. Theo nhà nghiên cứu miễn dịch học Kathleen Dass thì “Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể bạn sẽ tiết ra cortisol và adrenaline, loại hormone làm giảm mức độ tế bào lympho và phagocytes”.
Bên cạnh đó, stress còn gây ra một loạt các hành động không lành mạnh như uống rượu, hút thuốc, mất ngủ và chứng thèm ăn.
4. Ít cười
Theo nghiên cứu của trường Đại học Y khoa Loma Linda ở California thì cười làm giảm sự tiết hormone gây căng thẳng, tăng số lượng tế bào miễn dịch, tăng cường tuần hoàn máu, tăng lưu lượng oxy qua hít thở và giải tỏa các cảm xúc tiêu cực.
5. Thiếu ngủ
Việc thường xuyên thức khuya và ngủ không đủ cũng là một trong những yếu tố làm suy yếu hệ miễn dịch mà nhiều người thường mắc phải. Khi chúng ta ngủ, cơ thể sẽ giải phóng các cytokine – loại protein bảo vệ bạn khỏi viêm và nhiễm trùng.
Việc thường xuyên thức khuya, sau đó ngủ không đủ từ 7 – 8 tiếng một ngày sẽ làm suy giảm khả năng ngăn ngừa bệnh tật của hệ miễn dịch, dễ khiến bạn mắc nhiều loại bệnh từ cảm cúm, sốt, ho, đến những bệnh nặng hơn như tim mạch, hoặc thậm chí cả COVID-19.
6. Lười vận động
Theo nghiên cứu, khi tập thể dục 30-45 phút/ngày, tập 5 ngày/tuần, đều đặn trong 12 tuần, số lượng tế bào miễn dịch sẽ tăng lên, sức đề kháng cũng tăng lên đáng kể.
7. Hút thuốc trực tiếp và gián tiếp
Ai cũng biết tác hại của khói thuốc lá đối với sức khỏe. Một số liệu thống kê ở Mỹ cho thấy có 3.000 người không hút thuốc chết vì ung thư phổi, 300.000 trẻ em bị nhiễm trùng đường hô hấp. Khói thuốc làm suy yếu nghiêm trọng hệ hô hấp đồng thời làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trẻ nhỏ.
8. Lạm dụng thuốc kháng sinh
Thói quen xấu làm suy yếu hệ miễn dịch cuối cùng có thể kể đến đó là lạm dụng quá nhiều thuốc kháng sinh. Nhiều người có thói quen sử dụng kháng sinh ngay cả khi chỉ mắc các bệnh nhẹ như viêm họng hay sổ mũi thông thường. Thói quen này là rất sai lầm.
Nguyên nhân là bởi kháng sinh sẽ phá vỡ sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch đối với các vi khuẩn tốt và xấu, khiến cơ thể tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Không những vậy, thuốc kháng sinh còn có thể làm giảm tế bào bạch cầu cũng như các phân tử protein tự nhiên chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh.
9. Không uống đủ nước
Nước giúp thải độc khỏi cơ thể, từ đó giúp hệ miễn dịch hoạt động dễ dàng hơn. Hãy để hệ miễn dịch của bạn được nghỉ ngơi bằng cách uống nhiều nước hơn. Hạn chế các loại nước giải khát có gas vì chúng có thể gây hại cho cơ thể.
10. Ăn, uống nhiều đồ ngọt
Bạn không cần phải từ bỏ hoàn toàn đường, nhưng cần phải tránh dư thừa đường. Một lượng lớn đường (chủ yếu được thêm vào các loại thực phẩm khác nhau) làm suy yếu hệ thống miễn dịch, làm giảm khả năng của các tế bào miễn dịch tiêu diệt các tác nhân sinh học xâm nhập vào cơ thể như virus, vi khuẩn, nấm…
Để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, bạn nên:
- Ngủ đủ giấc, yếu tố quan trọng để tăng cường miễn dịch.
- Ăn nhiều thực phẩm thực vật hơn.
- Ăn nhiều chất béo lành mạnh hơn.
- Ăn thực phẩm lên men hoặc bổ sung probiotic.
- Hạn chế đường bổ sung.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Giữ đủ nước cho cơ thể.
- Quản lý căng thẳng.
- Bổ sung các chất chống oxy hóa từ thực phẩm.
PN (Nguoiduatin.vn)