Những người vợ phải dùng đến hạ sách để giành con hậu ly hôn

12/12/2017 10:54:00

Năn nỉ xin nuôi con không được, chị Xuân thuê một đám con nghiện đến ăn vạ trước cửa nhà chồng.

Chị Xuân (35 tuổi, quê Đồng Nai) từng phải bỏ tiền ra thuê người nghiện ma túy "ám" để nhà chồng sợ mà trả con. Vợ chồng chị ly hôn khi con gái hơn 4 tuổi, tòa xử cho anh chồng nuôi và anh ta cấm chị đến thăm con. Chị vật vã, điên cuồng, dùng đủ mọi chiêu từ năn nỉ đến cãi vã để xin được quyền nuôi vì chị biết việc chăm nom chủ yếu do bà nội chứ chồng cũ cũng không đủ thời gian làm. Mọi nỗ lực bất thành. Cuối cùng, chị cầm 5 triệu ra đầu ngõ, gọi mấy tay nghiện ma tuý tới, nhờ ngày nào cũng ngồi ngay cửa nhà chồng cũ, ngáp ngắn ngáp dài. Hơn một tuần, nhà chồng đầu hàng, giao con cho chị nuôi. Sau khi lấy lại được quyền nuôi con, chị mang con ra nước ngoài. Hiện tại cuộc sống của hai mẹ con chị rất tốt.

Những người vợ phải dùng đến hạ sách để giành con hậu ly hôn
Ảnh minh họa: parentmap

Âm thầm thu thập bằng chứng chống lại chồng là biện pháp giúp chị Hằng (42 tuổi, sống tại TP HCM) đòi con thành công. Khi ly hôn, tòa chia cho chị chăm sóc con gái nhỏ, anh chăm sóc con gái lớn, không ai chu cấp gì cho ai. Không đành lòng để con xa mình, hai con xa nhau, chị xin chồng cũ để chị nuôi hộ bé lớn. Sau một thời gian, chồng cũ đòi con về tự nuôi nhưng vẫn cho con học chung trường với em, rồi sau đó, anh đòi chuyển trường cho con. Chị lên nói với ban giám hiệu rằng việc này chỉ là tạm thời, xin đừng gạch tên con khỏi lớp.

"Dì ghẻ con chồng là chuyện bình thường, tôi không kỳ vọng cô ấy yêu con mình. Ba giành con nhưng không chăm con, còn mẹ kế thì không giành nhưng lại hành hạ bé. Làm sao tôi có thể ngồi yên. Tôi bắt đầu nghênh chiến", chị Hằng tâm sự.

Sau đó, tất cả những hành vi của người mẹ kế đe dọa chị hay con gái chị đều được chị lưu lại. Chỉ duy nhất một lần chị cãi lộn với vợ mới của chồng để bảo vệ con còn sau đó, chị đều im lặng lưu lại bằng chứng và báo công an, gửi đến ủy ban nhân dân phường, hội phụ nữ, hội bảo vệ trẻ em. Người mẹ kế không đánh con chị nhưng hành hạ tinh thần, ví dụ mang dao ra dọa: “Tao sẽ giết chết mẹ của mày”. Mỗi ngày chục lần, người mẹ kế nhắn tin chửi mắng, chị không trả lời mà chỉ lưu tin nhắn lại. Chị dò hỏi người làm cho gia đình chồng cũ để họ kể chuyện con chị sợ bố và mẹ kế ra sao rồi ghi âm lại.

Ngày nào chị cũng tới thăm con. Vì đã từng bị dọa nên mỗi lần tới, chị đều nhờ công an đi cùng. "Công an không thích những vụ việc kiểu này, cứ đuổi tôi quầy quậy, nhưng tôi bám dai quá, lại hay đi cùng mấy bà mẹ khác nữa, rồi mấy đứa con nheo nhóc khóc lóc giữa đêm khuya, nên họ cũng đành phải làm", chị Hằng nhớ lại. Cuối cùng, chồng cũ đành đồng ý để con về ở với chị. "Ngày con về với mẹ, nhóm các chị các mẹ nấu lẩu ăn mừng, tôi và con thì khóc". Đến giờ, chị đã "nuôi hộ" chồng cũ được 3 năm mà anh không có ý đòi lại con.

Thời gian đầu, chị Lan (32 tuổi, sống tại TP HCM) được chồng tạo điều kiện cho đến thăm con thường xuyên, nhưng 5 tháng gần đây, anh bắt đầu cản trở. Là bạn học và yêu nhau suốt 10 năm mới cưới nhưng khi chị Lan mang bầu đứa con đầu lòng thì anh chồng ngoại tình. Vợ chồng bắt đầu canh không lành, cơm không ngọt. Dùng dằng mãi, họ chia tay nhau khi cậu con trai gần ba tuổi. Chị đồng ý cho con ở với anh và ông bà nội vì đó là cháu đích tôn của dòng họ. Lúc đó, anh làm cơ quan nhà nước, giờ giấc tương đối rảnh, còn công việc của chị theo ca nên không dễ chăm sóc con. Anh hứa chị có thể đến thăm con bất cứ lúc nào chị muốn, anh cũng không đòi chị trợ cấp cho con.

Ban đầu, việc thăm nom con của chị diễn ra thuận lợi, cuối tuần bé vẫn được về nhà mẹ chơi. Cho đến cách đây 5 tháng, khi anh có bồ mới và xác định sẽ cưới, anh bắt đầu hạn chế việc thăm con của chị. Anh dọa sẽ phạt con nếu mỗi lần chị đến đón con mà cậu bé không gào khóc hay giả vờ trốn mẹ. Anh lấy máy quay ghi lại hình ảnh đó và nói chị đừng đến nữa vì con không muốn. Thế nhưng, chỉ cần thoát khỏi nhà bố là cậu bé ôm chặt mẹ như sợ lạc mất mẹ, thái độ đầy vui vẻ. Anh cũng cấm ông bà ngoại đến đón cháu cùng chị, nhắn bảo vệ ở khu chung cư không cho ông bà vào thang máy. Có lần, anh thậm chí còn mắng và tát chị khi chị chỉ trích anh trong lúc đến đón con.

Trên danh nghĩa là anh chăm con, nhưng thực tế, việc nuôi dưỡng bé chủ yếu do bà nội và người giúp việc. Gần đây, anh chê công việc hành chính nhàm chán, nghỉ việc ở nhà nhưng vẫn để bà nội chăm cháu. Lo lắng với cách giáo dục con của chồng cũ, chị muốn giành lại quyền nuôi con. Ngọt nhẹ với anh không được, chị quyết định đưa sự việc ra tòa nhờ phân chia lại quyền nuôi con.

Để chị Lan có thể thành công khi ra tòa, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, chị cần thu thập các chứng cứ chứng minh được rằng người chồng cũ đã không hoàn thành trách nhiệm nuôi dưỡng con của mình (anh ta không có thu nhập vì đã bỏ việc, bỏ bê con đi chơi, có những hôm 3-4 giờ sáng mới về), chị cũng phải chứng minh được khả năng tài chính và khả năng chăm sóc con (đã có nhà riêng, hiện làm công việc part time để có thể dành thời gian cho con). Việc tố cáo bị chồng ngăn trở thăm con cũng cần có bằng chứng, và lần tới nếu chị đến mà bị anh ngăn cản, có thể kêu thừa phát lại đến lập vi bằng sự việc.

Tuy nhiên, việc đòi con thành công trên tòa đôi khi cũng không giúp mẹ được nuôi con. Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP HCM kể ông đã gặp vài trường hợp, dù tòa án đã quyết định giao lại quyền nuôi con cho mẹ nhưng người cha chây ì không chấp hành, đã tìm cách giấu con khiến việc gặp con của mẹ cũng rất khó khăn. 

Luật sư Nguyễn Thúy Hường (Đoàn luật sư TP HCM) nhận xét, khi ly hôn, có những người cố giành nuôi con không phải vì thực sự nghĩ đến con mà họ sợ dư luận chê cười tại sao họ lại bỏ con hoặc để trả thù người bạn đời, không muốn người đó được quyền nuôi con. Bà cũng gặp không ít thân chủ đến tư vấn về việc chồng hay vợ cũ cản trở không cho họ được quyền thăm nuôi con.

"Những người hành hạ những đứa trẻ hay cố tình cản trở quyền thăm con của bạn đời cũ thật quá ích kỷ và tàn nhẫn. Họ chỉ biết thỏa mãn sự tham lam và tàn nhẫn, thậm chí tàn độc của mình dưới danh xưng cha mẹ. Những người như vậy không xứng đáng để được gọi bằng những từ rất thiêng liêng là cha hay mẹ", bà nói.

Bà Hường cũng cho rằng, trong những vụ trẻ bị bạo hành sau khi bố mẹ ly hôn, trách nhiệm không chỉ đến từ người trong cuộc mà còn đến từ các cơ quan có trách nhiệm như chính quyền địa phương, công an, các cơ quan đoàn thể,...

Tên nhân vật đã thay đổi

Theo Kim Anh (VnExpress.net)

Nổi bật