Những người không thể đeo trang sức, cúc quần, thậm chí răng giả

13/09/2022 13:55:51

Cậu bé 6 tuổi ở Hà Nội nổi mẩn khắp người, ngứa ngáy khó chịu sau khi mẹ dùng vòng bạc đánh cảm. Từ nhỏ, cậu cũng chưa từng đeo vòng tay, lắc, hay vòng bạc như nhiều trẻ khác bởi cứ đeo là lại ngứa.

Mấy ngày trước bé Ngọc Duy, 6 tuổi ở Hà Nội, bị ốm. Chị Ngân, mẹ bé, dùng vòng bạc đánh cảm cho con. Kết quả, vòng bạc đổi màu vàng đất và xanh ngọc lẫn lộn, còn cậu bé lại nổi mẩn đỏ khắp người, ngứa ngáy khó chịu.

Vợ chồng chị Ngân rất bất ngờ khi con trai lại phản ứng mạnh như thế. Chị nhớ lại, từ nhỏ đến lớn, bé Duy chưa từng đeo thành công vòng tay, lắc, hay vòng bạc như nhiều trẻ khác bởi cứ đeo là lại ngứa. 

Tệ hơn, em gái chị Ngân từ khi kết hôn đến nay còn không dám đeo nhẫn cưới hay vòng tai cũng bởi cứ đeo vài ngày là ngón áp út lại sẩn ngứa còn tai sưng tấy, rỉ nước rồi đóng vảy sau vài ngày. Ban đầu cô dâu trẻ tưởng bị côn trùng đốt nên chuyển sang tay khác nhưng triệu chứng tương tự lại xảy ra.  

Đi khám, cả bé Duy và em gái chị Ngân đều được bác sĩ chẩn đoán viêm da tiếp xúc do kim loại. Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng phòng Đào tạo Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết đây tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng điển hình, không hề hiếm.

"Chứng này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây tổn thương trực tiếp trên da, khiến bệnh nhân khó chịu, ảnh hưởng tâm lý" - bác sĩ Tuyến nói với VietNamNet ngày 12/9.

Thực tế, ngoài nhẫn, khuyên tai, vòng cổ, không ít người bị viêm da tiếp xúc với kim loại còn không đeo được đồng hồ, thậm chí cả thắt lưng hay cúc quần, khoá quần. Một số bệnh nhân bị phản ứng, tổn thương miệng do đeo răng giả hoặc dụng cụ trồng răng, chỉnh niềng răng.

Theo vị bác sĩ, tác nhân hay gặp trong nhóm viêm da tiếp xúc do kim loại là Niken. Niken thường được sử dụng để làm đồ trang sức, có tác dụng làm cứng và hạn chế han gỉ.

Khi cơ thể toát mồ hôi qua da, Niken bị hoà tan, gây ra phản ứng dị ứng. Hàm lượng niken rất nhỏ có trong vàng, bạc hay trang sức mĩ ký cũng có thể gây ra dị ứng, viêm da tiếp xúc.

Những người không thể đeo trang sức, cúc quần, thậm chí răng giả
Bệnh nhân viêm da dị ứng với vàng hay đồ trang sức chủ yếu là phụ nữ bởi đây là nhóm người hay đeo nữ trang. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Tuyến, vàng kim loại rất hiếm gây dị ứng, tuy nhiên vàng bị pha tạp chất hay ở dạng muối vàng có trong trang sức cũng có thể gây dị ứng. Ngoài ra, các sản phẩm làm đẹp như mặt nạ vàng, sản phẩm trang điểm có thành phần muối vàng cũng có thể khiến bệnh nhân dị ứng. 

Ai dễ bị viêm da tiếp xúc do kim loại?

Theo bác sĩ Tuyến, nhóm nguy cơ cao bị bệnh này chủ yếu liên quan người có cơ địa dị ứng, tiền sử viêm da cơ địa. Bệnh nhân viêm da dị ứng với vàng hay đồ trang sức chủ yếu là phụ nữ bởi đây là nhóm người hay đeo nữ trang.  

Khi bị dị ứng kim loại, bệnh nhân có thể nổi ban đỏ, mụn nước, ngứa, lâu ngày tổn thương dầy da, da sần sùi theo các mức độ khác nhau. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm và đúng cách, các tổn thương này có thể trở thành mãn tính ở vùng dị ứng như tai, cổ, tay, ngón tay, bụng (do đeo thắt lưng, khoá quần), lâu dần thành chàm mạn tính. Ngoài ra, một số trường hợp còn có biểu hiện lan toả, phản ứng dị ứng toàn thân.

Phương pháp điều trị dị ứng kim loại cũng tương tự những tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng khác. Các bác sĩ thường tư vấn cho bệnh nhân loại bỏ tác nhân tiếp xúc như hạn chế đeo trang sức hoặc chọn loại được làm bằng chất liệu khác, thay cúc quần bằng cúc nhựa,... Những đồ vật không thể thay thì có thể dùng sơn móng tay sơn lên các vật dụng kim loại đó, mục đích để không tiếp xúc với da. 

Theo Võ Thu (VietNamNet)

Nổi bật